Kỳ vọng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến thăm khu đền Mahabodhi ở trung tâm Phật giáo Bodh Gaya ngày 2/3​. Ảnh: PTI.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đến thăm khu đền Mahabodhi ở trung tâm Phật giáo Bodh Gaya ngày 2/3​. Ảnh: PTI.
TP - Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ấn Độ ngày 2/3, có rất nhiều điểm đáng chú ý trong chương trình nghị sự của hai nước. Trong chuyến thăm này, Việt Nam và Ấn Độ dự kiến ký thỏa thuận về hợp tác hạt nhân dân sự và phát triển một cảng biển ở tỉnh Nghệ An, cùng những thỏa thuận khác. 

Một trong những trụ cột chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là “Chính sách hành động hướng Đông” nhằm tăng cường sự tham gia của Ấn Độ vào Đông Á. Trong bài viết về chuyến thăm vừa đăng trên tạp chí The Diplomat, nhà nghiên cứu Rupakjyoti Borah, công tác tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc ĐH Quốc gia Singapore, viết rằng Việt Nam đóng vai trò chìa khóa trong chính sách này.

Việt Nam rất quan trọng trong nỗ lực tiếp cận của Ấn Độ ở vùng Đông Nam Á, bên cạnh các kế hoạch của New Delhi nhằm tăng cường kết nối với các nước thành viên ASEAN. Ấn Độ đang xây dựng tuyến cao tốc Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan (dự kiến hoàn thành vào năm 2019) và tuyến đường này có thể hợp với các tuyến đường đã có để kết nối với Việt Nam. Đầu tháng 1 vừa qua, các lãnh đạo ASEAN có dịp dự Ngày Cộng hòa của Ấn Độ tại New Delhi, cho thấy sự gần gũi hơn giữa Ấn Độ và ASEAN.

Hợp tác quốc phòng - an ninh hiệu quả

Chuyến thăm Ấn Độ lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là sự tiếp nối tốt đẹp chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Việt Nam năm 2016. Trong chuyến thăm đó của ông Modi, trong số các thỏa thuận đạt được, New Delhi cam kết mức cung cấp tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để mua sắm thiết bị quốc phòng. Tuyên bố chung đưa ra trong dịp đó nhấn mạnh rằng, là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Việt Nam và Ấn Độ thúc giục các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa UNCLOS, cơ chế thiết lập trật tự luật pháp quốc tế trên biển và đại dương. Dù Ấn Độ không có đòi hỏi chủ quyền nào trên biển Đông, các tuyến đường biển qua khu vực này rất quan trọng cho thương mại hai chiều giữa Ấn Độ với Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương. 

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Ấn Độ Economic Times trước chuyến thăm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, quốc phòng và an ninh đang là lĩnh vực hợp tác hiệu quả giữa hai nước. Ấn Độ tích cực hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động đào tạo, xây dựng năng lực, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng. 

Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều đã phát triển rực rỡ trong mối quan hệ đang lên này. Trong lĩnh vực kinh tế, vẫn còn nhiều tiềm năng để hai bên khai thác. Tổng thương mại giữa hai nước vẫn khiêm tốn dù hai bên đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương là 15 tỷ USD vào năm 2020. Trong khi đó, thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hiện đã là 93,8 tỷ USD. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Ấn Độ đang nằm trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch song phương tăng trung bình 16% mỗi năm trong thập kỷ qua. Nhiều công ty lớn của Ấn Độ đã đến và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Ấn Độ ưu tiên cho Việt Nam trong hợp tác phát triển và giáo dục đào tạo, và quan tâm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, thông tin, năng lượng, dầu khí, nông nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước được đánh giá là chưa thực sự phát triển.

Hôm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân đã đến thăm khu đền Mahabodhi nổi tiếng của Ấn Độ. Hoạt động này cho thấy sợi dây gắn kết về Phật giáo giữa hai quốc gia. Tuy nhiên, lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Ấn Độ và ngược lại vẫn còn thấp. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đang tiến triển nhanh chóng trên tất cả các mặt, điều quan trọng cho cả hai nước là giải quyết những khó khăn còn lại trong quan hệ song phương để có thể khai thác mọi tiềm năng, nhà nghiên cứu Rupakjyoti Borah đánh giá.

Trong chuyến thăm 3 ngày tới Ấn Độ lần này, dự kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, hội kiến Thủ tướng Narendra Modi và gặp các doanh nhân nổi bật của Ấn Độ.  

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.