Kyrgyzstan: Khủng hoảng chính trị dẫn đến "cách mạng đường phố" ?

Kyrgyzstan: Khủng hoảng chính trị dẫn đến "cách mạng đường phố" ?
Là một nước CH nhỏ bé ở Trung Á với 5 triệu dân nhưng bão táp chính trị tại Kyrgyzstan đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế.

Khủng hoảng được châm ngòi từ kết quả bầu cử Quốc hội (27/2) khi phe đối lập cáo buộc có gian lận, kích động các cuộc biểu tình phản đối trên diện rộng.

Đến cuối ngày 22/3, tình hình tiếp tục căng thẳng khi phe đối lập vẫn chiếm giữ nhiều khu vực của 2 thành phố miền Nam (Osh, Jalal-Abad) và kế hoạch đàm phán với Chính phủ chưa được xác định. Tổng thống Askar Akayev, người tại vị 15 năm qua - đã đồng ý đàm phán với phe đối lập.

Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập tuyên bố chỉ nói chuyện với Tổng thống Akayev khi ông chấp nhận những đòi hỏi của họ như phải từ chức và tiến hành bầu cử lại. Phát ngôn viên của Tổng thống Akayev cảnh báo phe đối lập rằng, mọi nỗ lực theo kiểu “cách mạng cam” ở Ukraine hay “cách mạng bầu cử” ở Gruzia có thể khiến đất nước rơi vào cuộc nội chiến.

Dư luận quốc tế cho rằng, phía sau cuộc khủng hoảng chính trị Kyrgyzstan cũng có sự can thiệp của phương Tây , nhất là Mỹ như đã từng diễn ra ở Gruzia và Ukraine.

Tuy là một nước nhỏ, nhưng nằm ở vị trí đặc biệt gần Nam á, giáp Trung Quốc nên từ lâu Kyrgyzstan đã trở thành một mắt xích quan trọng trong chiến lược bành trướng của Mỹ.

Mặt khác, cũng như Gruzia và Ukraine, Kyrgyzstan còn đóng vai trò là “sân sau” chính trị truyền thống của Nga. Nếu phe đối lập thành công trong việc hạ bệ Chính phủ Kyrgyzstan, Mỹ có thể tiến thêm một bước nữa trong kế hoạch xâm nhập khu vực Trung á, tiếp tục làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Nga và đặt được một cái gai sát sườn biên giới miền Tây Trung Quốc.    

MỚI - NÓNG