Lạc vào 'khách sạn chờ chết' ở Ấn Độ

Người chết được hỏa táng bên sông Hằng và thả tro xuống sông ở Varanasi. Ảnh: Getty Images.
Người chết được hỏa táng bên sông Hằng và thả tro xuống sông ở Varanasi. Ảnh: Getty Images.
TPO - Để được ra đi thanh thản và hồi sinh sau khi chết, nhiều tín đồ theo đạo Hindu trên khắp thế giới đã chọn thành phố thánh địa Varanasi, trung tâm của Hindu giáo, bên bờ sông Hằng, bang Utah Pradesh, Ấn Độ để được chết. Đó là lý do vì sao “khách sạn chờ chết” ( Death Hotel) ở Varanasi luôn đông khách suốt hơn 100 năm qua.

Người dân Ấn Độ sống hai bên bờ sông Hằng từ ngàn đời nay có tập tục khi chết đều được hỏa táng bên sông và được thả tro xuống sông với mong ước được về cõi niết bàn và đầu thai sau khi chết. Do đó “nhà khách” cho người sắp chết có khá nhiều ở dọc bờ sông ở Varanasi, nhưng Mukti Bhaw được mệnh danh là “khách sạn chờ chết” là đông khách du lịch nhất.

 Khách hàng thường là những người đến trong tình trạng đang hấp hối, nhưng sự cứu rỗi tinh thần là cần thiết với họ. Người Hindu tin rằng, chết ở Varanasi sẽ giúp họ siêu thoát ở cõi vĩnh hằng. Do đó, sau khi chết, thi thể của họ được hỏa táng ngay bên bờ sông Hằng và tro được ném xuống sông Hằng.

Lạc vào 'khách sạn chờ chết' ở Ấn Độ ảnh 1

Bên ngoài "khách sạn chờ chết" ở Varanasi, bang Utah Pradesh, Ấn Độ. Ảnh: Getty Images

Mukti Bhaw, “khách sạn chờ chết” là một tòa nhà cổ thời thuộc địa với 12 căn phòng xây bằng gạch bê tông. Mỗi tháng, khách sạn này nhận được khoảng 20 khách hàng từ khắp nơi trên thế giới tới đây nghỉ ngơi... chờ chết.

 Khách sạn này giờ đây ngày càng nổi tiếng và trở thành điểm đến của những vị khách du lịch nhiều tiền, những người sẵn sàng trả tiền để được chết, rồi sau đó được đem ra thiêu bên dòng sông Hằng thần thánh.

Bhairave Nath Shukla, người làm việc tại Mukti Bhawan hơn 40 năm qua cho biết, phần lớn những người tới đây chỉ sống được vài ngày. Thông thường, họ chỉ được giới hạn sử dụng phòng ở đây  tối đa hai tuần. Nhưng cũng có một số ngoại lệ, chẳng hạn, có một số người đến đây trong tình trạng ốm thập tử nhất sinh, nhưng họ vẫn sống sau khi ở đây hơn một tuần lễ.

“Đôi khi chúng tôi khuyên gia đình họ hãy đưa người thân về nhà và trở lại đây sau. Nhưng đôi khi, chúng tôi cũng có thể cho họ ở đây lâu hơn”, ông Shukla nói.

Do sự phát triển của thành phố Varanasi, Mukti Bhawan, vốn được điều hành bởi một tổ chức từ thiện, giờ đã trở thành nơi  dành cho những người có điều kiện. Giá nghỉ tại khách sạn này chỉ 1 USD/ ngày. Trang bị trong phòng “ khách sạn” chỉ là một chiếc giường và một chiếc quạt.

Thông thường, những người sắp chết từ khắp đất nước Ấn Độ hoặc trên thế giới sẽ được đưa tới đây. Họ bao gồm nhiều loại người với các hoàn cảnh khác nhau. Có người đi bằng ô tô, có người đi bằng máy bay đến đây.

Phần lớn trong số họ đều được gia đình đi cùng và cầu nguyện cho họ trong những ngày chờ chết. Hàng ngày có một vị có chức sắc của đạo Hindu đến cầu nguyện và vẩy nước sông Hằng lên người họ, thứ nước mà người theo đạo Hindu tin rằng là tinh khiết và thiêng liêng. Với những người có nhiều tiền, họ có thể thuê hẳn một dàn nhạc Hindu chơi cho những vị khách đang nằm chờ chết.

Theo ông Shukla, kể từ khi được mở cửa vào khoảng năm 1908, mỗi năm có hơn 15.000 người đã được chết tại đây và rồi được đưa đi hỏa táng ở bờ sông Hằng. Tới chừng nào những người theo đạo Hindu vẫn còn tin tưởng vào sức mạnh tinh thần của thánh địa Varanasi,  Mukti Bhawan, khách sạn chờ chết vẫn còn “ hút khách”.

Theo AFP
MỚI - NÓNG