“Lái buôn thần chết” lĩnh 25 năm tù

“Lái buôn thần chết” Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ hồi tháng 11-2010 Ảnh: AP
“Lái buôn thần chết” Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ hồi tháng 11-2010 Ảnh: AP
TP - Hôm qua, cựu sĩ quan không quân Nga Viktor Bout, người được gọi là “lái buôn thần chết”, bị tòa án Mỹ kết án 25 năm tù giam vì tội bán vũ khí, làm phức tạp thêm các cuộc xung đột khắp thế giới. Phía Nga kịch liệt phản đối bản án, coi đây là đòn chính trị.

> Mỹ, Nga giằng co vụ 'lái buôn thần chết'

Vị thương gia 45 tuổi bị kết án âm mưu giết người Mỹ, mua và xuất khẩu tên lửa và cung cấp vũ khí cho một tổ chức khủng bố.

Phiên tòa kéo dài 3 tuần tập trung vào việc xác định ông Bout đồng ý bán vũ khí cho những người mà thương gia này nghĩ là quân nổi dậy Colombia có ý định tấn công binh lính Mỹ.

Theo bản cáo trạng của tòa án liên bang, Bout bị cáo buộc tạo ra những công ty bình phong, sử dụng máy bay để vận chuyển lương thực, thuốc men và vũ khí.

Trước khi bắt ông Bout, các đặc vụ của Cục Phòng chống ma túy Mỹ (DEA) tìm cách kéo ông này ra khỏi quê nhà ở Nga. Những đặc vụ Mỹ gặp gỡ đồng minh của thương nhân Bout trên khắp thế giới để dàn xếp cuộc gặp gỡ với ông này.

Trong cuộc gặp tại khách sạn ở Bangkok (Thái Lan), ông Bout đồng ý bán 100 tên lửa đất đối không tiên tiến và gần 5.000 khẩu AK-47. Năm 2008, ông Bout bị bắt ở Bangkok sau một thương vụ do các điệp viên Mỹ ở Thái Lan giả danh người mua vũ khí.

Chính quyền Mỹ nói rằng, ngay từ những năm 1990, ông Bout đã bán vũ khí cho các nhà độc tài và những vùng xung đột ở châu Phi, Nam Mỹ và Trung Đông.

Chính quyền Mỹ phong tỏa tài sản của ông Bout từ năm 2004 và cấm mọi giao dịch ở Mỹ với nhân vật này.

Ông Bout, người trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bộ phim Mỹ Lord of War (Trùm chiến tranh) năm 2005, bị tạm giam ở Thái Lan trong 2 năm, trước khi bị dẫn độ về Mỹ để xét xử.

Chỉ là nạn nhân chính trị?

“Lái buôn thần chết” Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ hồi tháng 11-2010 Ảnh: AP
“Lái buôn thần chết” Viktor Bout bị dẫn độ từ Thái Lan sang Mỹ hồi tháng 11-2010.  Ảnh: AP.
 

Trong phiên tòa hôm 6-4 (giờ Việt Nam), bị cáo Bout nói với quan tòa thông qua phiên dịch rằng mình “không định giết bất kỳ ai” và “Chúa biết sự thật này”.

Bị cáo Bout một mực cho rằng mình buôn bán hợp pháp và chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp hậu cần.

Tuổi của thương nhân này vẫn chưa rõ ràng, mà chỉ được cho là sinh vào cuối những năm 1940 hoặc 1950, vì ông ta sử dụng nhiều hộ chiếu và giấy tờ cá nhân khác nhau.

Tuần trước, luật sư của ông Bout là Albert Dayan viết thư gửi thẩm phán chủ tọa phiên tòa là Shira Scheindlin để yêu cầu gác lại bản kết án. Luật sư Dayan hối thúc vị chủ tọa không trở thành “một bên bất đắc dĩ” trong “vụ khởi tố sai lầm” chỉ vì “các lý do chính trị”.

Vị luật sư nói rằng bản án “là sản phẩm của sự ác ý” mà trong đó thân chủ Bout là “đối tượng của nền chính trị cá nhân” từ Washington.

Vị luật sư cho rằng, ông Bout bị chính phủ Mỹ để mắt và lôi kéo vào hoạt động phạm pháp bị thao túng bởi DEA, trong đó cơ quan này vừa đóng vai trò là luật sư, hội thẩm đoàn và đao phủ.

Luật sư Dayan nói rằng, ông Bout không có ý định bán bất kỳ loại vũ khí nào cho các đặc vụ; ông không bán vũ khí trong nhiều năm và thứ duy nhất ông muốn bán là hai máy bay chở hàng trị giá 5 triệu USD, các đặc vụ DEA đã thả mồi để ông phạm pháp.

Ngược lại, ủy viên công tố nói: “Dù Bout luôn nói rằng mình chẳng là gì khác ngoài một thương nhân, nhưng ông ta là thương nhân của những đơn đặt hàng nguy hiểm nhất”.

Gia Tùng
tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.