Lãnh đạo IMF có thể lại là người Pháp

Lãnh đạo IMF có thể lại là người Pháp
TP - Bộ trưởng Tài chính Pháp có thể sẽ được chọn làm Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dù các nền kinh tế mới nổi chỉ trích sự thống trị của châu Âu đối với vị trí này.

Cuộc đua không đơn giản
> Quỹ Tiền tệ Quốc tế sắp có Tổng Giám đốc mới 

Hôm qua, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Christine Lagarde, cựu luật sư 55 tuổi, chính thức ứng cử vị trí lãnh đạo IMF. Ông Dominique Strauss - Kahn người Pháp từ chức tổng giám đốc IMF sau khi bị buộc tội tấn công tình dục một nữ hầu phòng tại khách sạn Sofitel ở Mỹ.

Châu Âu thừa khả năng chiến thắng

Theo thỏa thuận lâu nay giữa Mỹ và châu Âu, vị trí đứng đầu IMF thuộc về người châu Âu, còn cương vị lãnh đạo Ngân hàng Thế giới thuộc về công dân Mỹ. Vị trí quyền lực thứ hai ở IMF cũng do người Mỹ đảm nhiệm.

Một số nguồn tin ở Mỹ nói, nước này sẽ ủng hộ châu Âu và các quốc gia châu Âu cũng có đủ số phiếu để quyết định ai sẽ được bổ nhiệm.

Theo nhiều nhà phân tích, Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp, người nhận được sự ủng hộ của Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc, có thể đánh bại bất kỳ đối thủ tiềm năng nào. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc không có bình luận gì về việc Bắc Kinh tán thành việc bà Lagarde có thể được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo IMF.

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan nói rằng vai trò lãnh đạo IMF nên phản ánh sự vươn lên của những nền kinh tế mới nổi. Nhưng ông không cho rằng ông chủ mới của IMF nên là công dân của những nước mới trỗi dậy.

Theo học giả Wu Qing công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc, việc Trung Quốc ủng hộ bà Lagarde là hợp lý vì không có nhiều người châu Á đủ tiêu chuẩn cho vị trí lãnh đạo IMF ở cấp cao nhất.

Quan chức của một số nước mới nổi cũng nói một cách không chính thức rằng, dù họ đã chán ngấy việc một số nền kinh tế phát triển kiểm soát quá trình lựa chọn, nhưng họ không đề cử người nào để cạnh tranh với bà Lagarde.

IMF sẽ chọn ra 3 ứng của viên. Hạn chót để chọn người kế nhiệm sẽ là ngày 30-6, nhưng lễ bổ nhiệm có thể được tổ chức sớm vào ngày 10-6.

Ông Agustin Carstens là phó giám đốc điều hành IMF từ tháng 8-2003 đến 10-2006 Ảnh: IMF
Ông Agustin Carstens là phó giám đốc điều hành IMF từ tháng 8-2003 đến 10-2006 Ảnh: IMF.

Một số ứng viên từ những nền kinh tế mới nổi

Trong một tuyên bố chung, nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS), gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chỉ trích mạnh mẽ truyền thống người châu Âu lãnh đạo IMF từ khi tổ chức này được thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên, bản tuyên bố không gợi ý ứng cử viên nào để thay thế. Các nước BRICS nói rằng người lãnh đạo IMF nên được chọn lựa dựa trên năng lực chứ không phải quốc tịch. Vì thế, họ kêu gọi “bãi bỏ hiệp định bất thành văn đã lỗi thời rằng vị trí đứng đầu IMF phải là người châu Âu”.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens, nói rằng Mỹ hưởng ứng việc ông tham gia chạy đua vào vị trí tổng giám đốc IMF, nhưng không thể hiện thái độ ủng hộ. Theo ông Carstens, IMF không cần một người châu Âu chèo lái và ông có đủ phẩm chất để dẫn dắt tổ chức quốc tế này.

“Tôi nghĩ tôi là ứng cử viên giỏi với kinh nghiệm 30 năm làm công chức và làm việc tại IMF. Và nếu các nước so sánh lý lịch để đưa ra quyết định một cách minh bạch, tôi nghĩ tôi có cơ hội”. Ông Carstens nói rằng, Mexico muốn những nền kinh tế mới nổi có tiếng nói mạnh mẽ hơn tại IMF.

Theo một số nguồn tin ở Brazil, nước này không nhiệt tình ủng hộ ông Carstens vì cho rằng ông ít có khả năng thành công. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Trevor Manuel có thể sẽ chạy đua vào vị trí lãnh đạo IMF. Nga nói rằng, họ sẽ ủng hộ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Kazakhstan, ông Grigory Marchenko.

Thái An
Theo Reuters, MarketWatch, Bloomberg

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG