Lãnh đạo Mỹ - Triều sắp gặp nhau: Trung Quốc lo lắng điều gì?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại tiệc chiêu đãi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại tiệc chiêu đãi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hồi tháng 3. Ảnh: KCNA.
TP - Trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chuẩn bị gặp Tổng thống Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc có thể thấy mình rơi vào tình trạng người ngoài cuộc, giới phân tích nhận định.

Nhiều nhà phân tích về Trung Quốc cho rằng, điều tồi tệ nhất với Bắc Kinh là Triều Tiên có thể theo đuổi một cuộc mặc cả lớn nhằm không chỉ đưa quốc gia bị cô lập này xích lại gần hai kẻ thù từ thời Chiến tranh Triều Tiên mà còn sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc về thương mại và an ninh.

Chìa tay với hai kẻ thù lớn nhất

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có thể đang tìm cách để không bị gạt khỏi trung tâm của tiến trình ngoại giao Mỹ-Triều Tiên diễn biến quá nhanh, và để đối phó khả năng ông Kim chìa tay với hai kẻ thù lớn nhất của mình. Đó sẽ là sự đảo ngược lịch sử suốt 70 năm qua, cho dù vẫn còn nhiều hoài nghi liệu Triều Tiên có đồng ý thực sự từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ hay không. Cuộc gặp của ông Kim với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến diễn ra vào ngày 27/4, và cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến diễn ra vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Hàn Quốc gần đây xác nhận rằng họ đang bàn với Triều Tiên và Mỹ về việc ký hiệp định nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, vốn đã ngừng từ năm 1953 nhưng chưa bao giờ chính thức kết thúc.

Các sự kiện diễn ra quá nhanh, khiến giới phân tích cho rằng Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình ít nhất phải cân nhắc điều mà họ gọi là tình huống khẩn cấp xấu nhất. “Mất uy tín là một vấn đề lớn với Trung Quốc và ông Tập, người luôn muốn người khác coi Trung Quốc là một nhân tố quan trọng trong quan hệ quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh ở Đông Bắc Á. Nhưng nay đột nhiên Trung Quốc không còn liên quan nữa”, báo New York Times dẫn lời GS Zhang Baohui, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Lĩnh Nam ở Hong Kong.

Trong một tuyên bố cuối tuần qua rằng Triều Tiên sẽ ngừng thử hạt nhân và tên lửa, ông Kim nói như thể Triều Tiên đã là một cường quốc hạt nhân và không còn cần thử vũ khí nữa. Đây được coi là một thách thức trực tiếp đối với mục tiêu phi hạt nhân hóa của chính quyền Trump. Washington tuyên bố rằng các cuộc đàm phán tới đây sẽ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Trump rõ ràng muốn tạo một chỗ đứng trong lịch sử như một nhà lãnh đạo Mỹ chính thức đặt dấu chấm hết cho chiến tranh Triều Tiên, ngay cả khi ông viết trên Twitter hôm Chủ nhật vừa rồi rằng ông không vội đạt được thỏa thuận. Còn Tổng thống Moon cũng háo hức tiến tới giai đoạn tái thống nhất hai miền Triều Tiên. Vì thế, Trung Quốc sợ rằng kết quả sẽ là việc Triều Tiên hoặc một bán đảo Triều Tiên thống nhất nghiêng về Mỹ, giới quan sát nhận định.

Kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, khi Trung Quốc sát cánh với Triều Tiên để chống lại Mỹ và đồng minh Hàn Quốc, quan hệ hai phe đó chưa có gì thay đổi. Triều Tiên vẫn đóng vai trò là vùng đệm cho Trung Quốc để ngăn lực lượng Mỹ tiến vào sát cửa nhà, còn Hàn Quốc trở thành căn cứ đồn trú ở khu vực cho quân đội Mỹ.

Con tạo có thể xoay vần

Trong những cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh phải lo những điều này sẽ đột nhiên thay đổi. “Nếu ông Kim và ông Trump có thể đạt được một thỏa thuận lớn, dưới dạng phi hạt nhân hóa để đổi lấy bình thường hóa quan hệ, thì Đông Bắc Á có thể chứng kiến một sự sắp xếp lại đáng kể”, GS Zhang nói. Học giả này cho rằng, khi đó, Trung Quốc sẽ không còn chi phối được chính sách đối ngoại của Triều Tiên nữa.

Khả năng thay đổi có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên khiến Bắc Kinh quan ngại nhất là một sự thống nhất lỏng lẻo giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, trong khi quân đội Mỹ vẫn đóng ở Hàn Quốc. Trong một bước đi hòa giải trước cuộc gặp lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đã từ bỏ đòi hỏi 28.000 lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc phải rời đi như một điều kiện tiên quyết cho đàm phán phi hạt nhân hóa.

“Một Triều Tiên dân chủ, thống nhất và nghiêng về Mỹ sẽ rất nguy hiểm cho chính quyền Trung Quốc”, GS Xia Yafeng, một chuyên gia về Triều Tiên tại ĐH Long Island (Mỹ), đánh giá. Từ quan điểm của Trung Quốc, một kết quả thuận lợi từ cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim sẽ là ít thay đổi hiện trạng, GS Xia nhận định. Đó có thể là “một bức ảnh đẹp” giữa hai người đàn ông, kèm theo lời hứa mơ hồ từ nhà lãnh đạo Triều Tiên về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân, sau đó sẽ là những cuộc đàm phán dài mà ở đó Trung Quốc sẽ có tiếng nói lớn.

Trung Quốc trong mấy chục năm qua vẫn lên tiếng ủng hộ một hiệp định hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc có một quan điểm rất cụ thể về một hiệp định như vậy. Đó là Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, rồi cả hai miền Triều Tiên sẽ nghiêng về Trung Quốc. “Một hiệp định hòa bình tốt cho Trung Quốc ở khía cạnh có thể sẽ phi hạt nhân hóa Triều Tiên, và quan trọng hơn là sẽ chấm dứt tính hợp pháp của sự hiện diện quân sự của Mỹ trên bán đảo”, bà Yun Sun, một chuyên gia về Triều Tiên và Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhận xét. Vì Triều Tiên đang tìm kiếm sự bảo đảm an ninh từ Mỹ để đổi lại việc phi hạt nhân hóa, sự bảo đảm đó “hy vọng sẽ bao gồm việc Mỹ rút quân”, bà Yun nói.

Nhưng, giống như cha và ông nội của mình, ông Kim đã thể hiện những dấu hiệu muốn giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc. Khi nhà lãnh đạo trẻ này bất ngờ thăm Bắc Kinh ba tuần trước và gặp ông Tập lần đầu tiên, hai người đàn ông có vẻ sẽ khắc phục phần nào quan hệ truyền thống gần gũi giữa hai nước sau giai đoạn lạnh lẽo kể từ khi ông Kim lên cầm quyền năm 2011. Trên thực tế, giới phân tích cho rằng chuyến thăm đó không hẳn là cách làm ấm quan hệ mà ông Kim muốn thực hiện để dùng Trung Quốc “chơi” lại Mỹ, giống như ông của ông ấy đã xử lý quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô. Mục đích của ông Kim là để tạo ấn tượng với người Mỹ rằng ông ấy sẽ bước vào cuộc gặp với sự hậu thuẫn của Trung Quốc ở phía sau. Ông Tập nhận lời mời của ông Kim sẽ thăm Bình Nhưỡng, nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy điều đó sẽ diễn ra trước khi ông Trump gặp ông Kim.

Các nhà phân tích cho rằng từ khi lên nắm quyền, ông Kim cảm thấy khó chịu trước tình trạng nền kinh tế Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc, và tình trạng này càng tăng lên trước hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc mà Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu ủng hộ. Do bước đi này của Trung Quốc mà quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc có vẻ đã xuống thấp đến mức ông Kim từ chối gặp một phái viên Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, rồi sau đó thực hiện một vụ thử tên lửa đạn đạo nữa.

Có lẽ lo Triều Tiên rời xa mình và không hài lòng với việc ông Trump quyết định áp thuế lên hàng Trung Quốc, Bắc Kinh giờ không còn sẵn sàng trừng phạt Bình Nhưỡng. Đã có những dấu hiệu cho thấy thương mại dọc biên giới Triều Tiên - Trung Quốc hồi phục, nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã được nới lỏng sau 6 tháng gần như cấm vận thương mại hoàn toàn.

Vài giờ sau khi Triều Tiên thông báo sẽ ngừng thử hạt nhân, tờ Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài viết nói rằng Liên Hợp Quốc “nên thảo luận ngay lập tức việc hoãn một phần các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên”, còn Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc nên gỡ các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng.  

Hàn Quốc gỡ dàn loa tuyên truyền

Hàn Quốc đã ngừng phát các chương trình tuyên truyền qua hệ thống loa thùng đặt dọc biên giới với Triều Tiên. Hàn Quốc đặt vài chục chiếc loa công suất lớn ở biên giới hai miền để phát nhiều loại nội dung, từ nhạc K-pop đến những bản tin chỉ trích Triều Tiên. Seoul nói rằng họ tắt hệ thống loa này để tạo không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc-Triều Tiên vào thứ Sáu tới.

Ngày 23/4, người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo, cuộc gặp thượng đỉnh Hàn Quốc-Triều Tiên sẽ diễn ra sáng 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom. Cuộc gặp sẽ được truyền hình trực tiếp.

Theo Theo NYT, BBC, Straits Times
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.