Lào thông qua chủ trương đền bù cho dân vùng vỡ đập

Nhiều người đã mất nhà cửa sau sự cố vỡ đập thủy điện. Ảnh: Channelnewsasia.
Nhiều người đã mất nhà cửa sau sự cố vỡ đập thủy điện. Ảnh: Channelnewsasia.
TP - Người dân bị ảnh hưởng do sự cố vỡ đập ở Lào mới đây  sẽ được bồi thường ở cấp độ cao nhất, khi chính quyền xác định rằng đây không phải là một thảm họa thiên nhiên.

Theo tờ Vientiane Times, tại một hội nghị bàn các biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng từ sự cố vỡ đập ở tỉnh Attapeu, Phó thủ tướng Lào Sonexay Siphandone nói thảm họa này không phải là do thiên nhiên gây ra, vì vậy tiền bồi thường sẽ cao hơn thông thường. “Trận lụt bắt nguồn từ  một vết nứt trong thân đập”, ông Sonexay Siphandone nói trước một ủy ban đặc biệt phụ trách giải quyết hậu quả của sự cố vỡ đập.

 Một thành viên ủy ban đặc biệt cho Vientiane Times hay các thành viên đã thống nhất về nguyên tắc rằng gói bồi thường cho sự cố này cần phải khác so với những gói hỗ trợ nạn nhân thiên tai. “Lào có chính sách và quy định về bồi thường cho nạn nhân thảm họa. Nhưng chính sách ấy không áp dụng trong trường hợp này bởi trận lụt không phải bắt nguồn từ nguyên nhân tự nhiên”, ông nói.

Theo đại diện Bộ Năng lượng và Khai mỏ Lào, thành viên ủy ban, nếu chính phủ áp dụng chính sách đền bù thông thường, số tiền đền bù sẽ bị giới hạn bởi chính phủ không thể chi trả đúng với giá trị số tài sản mà người dân đã mất, mà chỉ ở một mức thấp hơn theo quy định.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng và Khai mỏ Khammany Inthirath nói công ty thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thảm họa cũng như những hậu quả to lớn mà nó gây ra. Ông cũng nói nhà thầu dự án phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân, bao gồm cả việc xây lại nhà cửa và các công trình khác.

Một quan chức của công ty Xe-Pian Xe-Namnoy nói công ty đã cam kết với chính phủ Lào nhận trách nhiệm về sự cố vỡ đập, nhưng chưa thể cho biết chi tiết về chuyện bồi thường. Hiện công ty vẫn đang hỗ trợ các nạn nhân trong việc cứu hộ và khắc phục hậu quả lụt lội. Họ đã xây các nhà tạm ở tỉnh Attapeu làm nơi trú ẩn cho các gia đình nạn nhân. Một nguồn tin nói công ty Xe-Pian Xe-Namnoy đã mua bảo hiểm từ một bên thứ ba cho dự án thủy điện này và phía bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm chi trả bồi thường, nhưng chưa có thông tin cụ thể nào về chính sách bảo hiểm được cung cấp tới báo chí. “Chúng ta phải xem xét chi tiết các điều khoản bảo hiểm trước khi nói các nạn nhân sẽ được bồi thường ở mức nào”, nguồn tin này nói.

Tính đến nay, sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu đã khiến hàng chục người chết và hàng trăm người mất tích, hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.   

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói chính phủ Lào sẽ hợp tác với Thái Lan và Hàn Quốc để điều tra nguyên nhân vỡ đập. Bộ Năng lượng và Khai mỏ Lào nói, sẽ mời các chuyên gia quốc tế tham gia.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.