Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên:

Lập trường quá xa nhau

Lập trường quá xa nhau
TP - Vòng đàm phán Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội về bình thường hóa quan hệ ngoại giao đã kết thúc sáng 8/3, sớm hơn dự định mà không ký kết được bất cứ thỏa thuận nào.
Lập trường quá xa nhau ảnh 1
Trưởng đoàn Nhật Bản Koichi Haraguchi (trái) bắt tay Trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên (thứ 3 từ trái sang) trước khi vào đàm phán tại Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội ngày 8/3.
Ảnh: Reuters

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cố ý tránh dùng từ “thất bại” khi đánh giá về kết quả vòng đàm phán lần này.

Tại phiên họp cuối cùng hai bên vẫn chưa xác định được thời gian và địa điểm của vòng đàm phán tiếp theo.

Có thể nói sau vòng đàm phán tại Hà Nội, quan hệ giữa hai nước không đạt được sự tiến triển nào đáng kể.

Vòng đàm phán này chỉ có mỗi một ý nghĩa là lần đầu tiên trong một thời gian dài, hai bên đồng ý cùng ngồi lại để nghe trình bày lập trường cứng rắn, khác nhau quá xa.

Khác biệt

Phía Nhật Bản cho biết, trong vòng đàm phán này hai bên đã hiểu rõ lập trường của nhau và đang tìm cách cải thiện quan hệ song phương.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản tham gia đàm phán nói trong buổi thông báo tin tức tại Đại sứ quán Nhật Bản chiều cùng ngày đã bày tỏ hy vọng “đoàn đàm phán CHDCND Triều Tiên báo cáo lập trường của Nhật Bản lên các nhà lãnh đạo nước mình để Bình Nhưỡng xem xét lập trường của họ đối với nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề “bắt cóc” các công dân Nhật Bản.

Quan chức này cho rằng việc giải quyết vấn đề bắt cóc là một phép thử chứng tỏ sự thành thật của Bình Nhưỡng đối với Tokyo.

Khác với Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên không gọi đây là vấn đề “bắt cóc” mà là “vấn đề con tin”.

Gặp gỡ báo chí tại Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở Hà Nội ngay sau khi vòng đàm phán kết thúc, đại diện đoàn CHDCND Triều Tiên khẳng định nước ông đã làm tất cả những gì có thể về vấn đề con tin và do vậy vấn đề con tin Nhật Bản đã được giải quyết xong. Quan chức này cho rằng Bình Nhưỡng rất thiện chí trong việc lập quan hệ ngoại giao với Tokyo.

Tuy nhiên theo ông, điều đó còn tuỳ thuộc cả ở thái độ của Nhật Bản chứ không chỉ một phía. Nhà ngoại giao này kêu gọi Nhật Bản thực hiện những cam kết của mình về viện trợ cho Bình Nhưỡng, đặc biệt là viện trợ năng lượng.

Ông cho biết tại vòng đàm phán lần này, phía CHDCND Triều Tiên đòi Nhật Bản phải bãi bỏ cấm vận Bình Nhưỡng, đối xử công bằng với người Bắc Triều Tiên đang sinh sống ở Nhật Bản, và bồi thường  cho những thiệt hại do chiến tranh trước đây gây ra.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại do phía Nhật Bản gây ra tại CHDCND Triều Tiên  trong thời gian Nhật chiếm đóng trước ngày 15/8/1945, phía Nhật Bản cho rằng bất cứ đề nghị nào về bồi thường cũng phải được giải quyết trong một giải pháp cả gói nêu trong Tuyên bố Bình Nhưỡng năm 2002. Bản Tuyên bố này do Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Junichiro Koizumi và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il ký ngày 17/9/2002. 

Vòng đàm phán tại Hà Nội lần này là vòng đàm phán thứ 14 về bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên từ trước đến nay. Tuy nhiên, đây còn là vòng đàm phán đầu tiên về bình thường hóa quan hệ giữa Tokyo và Bình Nhưỡng theo tinh thần của thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh về khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Vòng đàm phán Nhật Bản – CHDCND Triều Tiên lần này hai bên đã gặp rất nhiều trục trặc ngay từ phiên họp đầu tiên diễn ra tại Đại sứ quán Nhật Bản sáng 7/3. Trong đó phía Nhật Bản đã nêu quan điểm của mình về vấn đề “bắt cóc”. Theo dự kiến, phía CHDCND Triều Tiên sẽ phát biểu quan điểm của mình về vấn đề đó vào phiên họp buổi chiều cùng ngày.

Tuy nhiên do lập trường của hai bên quá khác biệt, phiên họp dự kiến buổi chiều 7/3 đã bị hủy. Để cứu vãn tình thế, tối 7/3 hai bên gặp lại nhau cấp thấp để tìm cách hoàn thành nốt phần còn lại của chương trình nghị sự.

Theo chương trình ban đầu, sáng 8/3 phía CHDCND Triều Tiên trình bày quan điểm về vấn đề bồi thường để buổi chiều cùng ngày phía Nhật Bản nêu quan điểm của mình sau đó cùng thảo luận và kết thúc vòng đàm phán. Tuy nhiên, do lập trường hai bên về vấn đề bồi thường khác nhau quá xa, phiên họp buổi sáng chỉ diễn ra khoảng 45 phút rồi kết thúc toàn bộ vòng đàm phán.

Phía CHDCND Triều Tiên đổ lỗi cho việc Tokyo không chân thành còn phía Nhật Bản thì nói đoàn đàm phán Nhật Bản không bất ngờ trước kết quả nói trên.

Hà Nội – một sự lựa chọn tốt về địa điểm

Mặc dù không đạt được kết quả như mong đợi nhưng cả hai bên đều nhất trí cao trong việc chọn Hà Nội làm nơi đàm phán lần này, coi đó là một sự lựa chọn tốt.

Ông Song il Ho trưởng đoàn CHDCND Triều Tiên cho biết, phía Bình Nhưỡng đưa ra đề nghị chọn Hà Nội làm địa điểm đàm phán vì quan hệ ngoại giao truyền thống giữa Việt Nam và CHDCND Triều Tiên rất tốt đẹp. Hơn nữa, Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên tại Hà Nội có điều kiện để đảm bảo cho cuộc đàm phán diễn ra suôn sẻ.

Một quan chức trong đoàn Nhật Bản cho biết phía Tokyo chấp nhận ngay đề nghị về địa điểm do Bình Nhưỡng đề xuất. Ông này nói rằng Nhật Bản đánh giá rất cao việc Chính phủ Việt Nam hợp tác rất tốt để đảm bảo cho cho vòng đàm phán Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên diễn ra thuận lợi.

Tất cả 14 vòng đàm phán về bình thường hóa quan hệ Nhật Bản-CHDCND Triều Tiên từ trước đến nay đều diễn ra tại thủ đô nước thứ 3 như Bắc Kinh (Trung Quốc), Kuala Lumpua (Malaysia) và nay là Hà Nội chứ chưa bao giờ diễn ra tại Tokyo hay Bình Nhưỡng.

MỚI - NÓNG