Leo thang khủng hoảng hạt nhân Iran

Leo thang khủng hoảng hạt nhân Iran
TP - Cuộc đối đầu giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran bỗng trở nên căng thẳng hơn sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến công cán Trung Đông đã hòa giọng cùng với Nga, Pháp chất vấn Iran về mục đích làm giàu uranium.
Leo thang khủng hoảng hạt nhân Iran ảnh 1 Leo thang khủng hoảng hạt nhân Iran ảnh 2

Tổng thống Iran Amadinejad (trái) và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - Ảnh: International Herald Tribune

Phát biểu tại Jidda, Ảrập Xêút, trước khi kết thúc chuyến thăm ba ngày đến Vùng Vịnh hôm 1-2, bà Hillary Clinton nói rằng việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ tạo ra những vấn đề rất nguy hiểm, có thể dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân ở khu vực.

Bà Clinton dẫn ra hàng loạt sự kiện và bằng chứng để nói việc Tehran khẳng định theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình là rất mâu thuẫn với thực tế. Bà Hillary cho rằng Iran đang phát triển thành nhà nước độc tài hạt nhân.

Trong khi đó, tại Tehran, Tổng thống Iran Amadinejad khẳng định rằng Iran sắp lắp đặt thêm nhiều máy làm giàu uranium, đồng thời sẵn sàng có hành động đáp trả các lực lượng thù địch với Iran bằng vũ lực đến mức các lực lượng đó phải hối hận về hành động của mình.

Trong cuộc họp báo hôm 16-2 tại Tehran, Tổng thống Amadinejad nói rằng Iran sẵn sàng ngừng chương trình làm giàu uranium của mình để đổi lấy việc làm giàu chất này ở nước ngoài. Đề nghị của phía Iran đã bị Mỹ và các đồng minh của Mỹ bác bỏ.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mottaki phản ứng mạnh mẽ việc Ngoại trưởng Mỹ nói Iran đang trở thành quốc gia độc tài hạt nhân. Ông Mottaki nói rằng chính Mỹ mới là quốc gia độc tài quân sự trong khu vực Trung Đông.

Ngoại trưởng Mottaki chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ đã dùng những “lời giả dối và áp dụng biện pháp lừa dối hiện đại” để che đậy âm mưu thực của mình đối với Vùng Vịnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mottaki cho rằng Mỹ đã can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, phá hoại những thành tựu về khoa học và công nghệ của Iran trong lĩnh vực nghiên cứu hạt nhân.

Quan hệ giữa Iran và Mỹ mỗi ngày một thêm căng thẳng, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm Nga hôm 15-2 vừa qua để thúc giục Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Iran.

Phía Nga đã gia nhập nhóm phản đối việc tăng cường làm giàu uranium của Tehran gồm Pháp và Mỹ. Ba cường quốc hạt nhân này cùng nhau ký vào một lá thư gửi Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói rằng việc Iran làm giàu uranium mà không báo trước với Liên Hợp Quốc là hoàn toàn bất hợp pháp, đi ngược lại với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Lá thư này nói rằng nếu Iran tiếp tục leo thang theo hướng làm giàu uranium, điều đó sẽ gây ra những lo ngại mới về ý định thực sự đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, tại Matxcơva, phát ngôn viên Natalya Timakova của Tổng thống Nga Medvedev cho biết, lập trường của Nga đối với chương trình hạt nhân của Iran không thay đổi.

Kremlin tin rằng phía Iran sẽ có sự hợp tác tích cực hơn và rộng lớn hơn với các cường quốc thế giới về vấn đề hạt nhân của Tehran. Bà Natalya Timakova nói thế giới cần biết chắc rằng chương trình hạt nhân của Iran là nhằm phục vụ mục đích hòa bình.

Trước tình hình quan hệ Mỹ-Iran trở nên căng thẳng, Trung Quốc vẫn giữ lập trường chống lại việc áp đặt các đòn trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Iran- quốc gia đang cung cấp dầu mỏ cho Trung Quốc.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.