LHQ cũng “chóng mặt” vì giá lương thực leo thang

LHQ cũng “chóng mặt” vì giá lương thực leo thang
TP - Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 25/2 cảnh báo không còn đủ tiền để đối phó với nạn đói tại nhiều nơi trên toàn cầu trong năm 2008 do giá cả hàng hoá tăng vọt.
LHQ cũng “chóng mặt” vì giá lương thực leo thang ảnh 1
Người dân Mỹ cũng “choáng” khi mua hàng ở siêu thị

Josette Sheeran, người đứng đầu Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ, phát biểu với báo chí: “Chúng tôi sẽ gặp rắc rối trong những tháng tới. Sẽ có một lỗ hổng lớn nếu giá cả hàng hoá vẫn cao và chúng tôi sẽ cần thêm nửa tỷ USD để đáp ứng những nhu cầu cần thiết”.

Với sự đóng góp từ các nước giàu, WFP cung cấp lương thực cho 73 triệu người tại 78 quốc gia. Ngân sách năm 2008 dành cho WFP là 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, do giá cả lương thực trên khắp thế giới tăng tới 40% và chi phí năng lượng ngày càng cao, khoản ngân sách đã được duyệt trên không đủ để duy trì việc cung cấp thực phẩm với mức độ như hiện nay.

Đáng lo ngại hơn khi đang có nhiều người dân ở khu vực thành thị vốn tự bảo đảm được nguồn lương thực, nhưng nay lại không thể. Gần đây Afghanistan “đóng góp” thêm 2,5 triệu người vào nhóm nguy cơ chết đói.

Frederic Mousseau, cố vấn chính sách nhân đạo của tổ chức Oxfam, cho biết: “Đối với người dân tại các nước nghèo, 50% - 80% thu nhập dành cho việc mua lương thực. Chúng tôi lo ngại nạn đói sẽ gia tăng nhanh chóng tại những nước này và người nông dân đang sống trong tình trạng nguy khốn”.

Quan chức WFP cho biết việc tăng giá bất thường các loại lương thực cơ bản trên toàn cầu gây ra bởi “cơn bão” của hàng loạt yếu tố. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho việc chuyển quá nhiều đất và sản phẩm nông nghiệp (chủ yếu là ngũ cốc) cho việc sản xuất năng lượng sinh học dẫn tới thiếu lương thực.

Mặt khác, sức ép càng nặng nề hơn khi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Ấn Độ tăng nhanh đi cùng với những đòi hỏi về thịt và các loại thực phẩm từng được cho là xa xỉ đối với họ.

Nhu cầu về thịt tăng, dẫn tới việc nhu cầu lương thực cung cấp cho vật nuôi cũng tăng vọt. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng mạnh tới nguồn cung lương thực phẩm. Nạn lụt hoành hành ở Tây Phi, Australia và bão tuyết bất thường ở Trung Quốc…tạo ra sức ép đối với việc sản xuất lương thực.

Trước thực trạng trên, cuối tuần trước, WFP đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp ở Rome (Italia) trước khi chính thức yêu cầu tăng ngân sách trong cuộc gặp của các lãnh đạo vào tháng 6. Tuy nhiên, việc tăng ngân sách cho WFP sẽ rất khó khăn khi các nước đóng góp đang đối mặt với giá năng lượng cao, chi phí vận chuyển tăng.

“Bão” tăng giá trên toàn cầu

Các quốc gia trên toàn thế giới đang đối mặt với sức ép từ “bão” tăng giá. Chính quyền Mỹ cho biết sẽ phải cắt giảm số lương thực viện trợ khi giá cả các loại lương thực cơ bản đã tăng tới 40% so với năm 2007 và chi phí vận chuyển cũng leo thang.

Tại Ấn Độ, Chính phủ sẽ chi 250 tỷ rupee cho an ninh lương thực. Ấn Độ là nước sản xuất mỳ lớn thứ hai thế giới, nhưng phải mua 5,5 triệu tấn mỳ năm 2006 và 1,8 triệu tấn năm 2007.

Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát lương thực là 18,2%. Chính phủ phải tăng thuế, áp cô-ta đối với lương thực xuất khẩu và giảm thuế cho lương thực nhập khẩu.

Tại Nga, Chính phủ phải thoả thuận với các nhà sản xuất trong việc không tăng giá các mặt hàng thiết yếu tới tháng 4/2008…

Giá cả lương thực căng thẳng tới mức đã dẫn tới sự chống đối, xung đột tại một số quốc gia. Ma-rốc vừa bắt giam 34 người vì tham gia bạo động xung quanh việc giá lương thực tăng.

Tại Yemen, giá bánh mỳ và các thực phẩm khác tăng gấp đôi trong 4 tháng qua châm ngòi cho biểu tình chống đối khiến hơn 10 người thiệt mạng. Người dân Indonesia cũng xuống đường biểu tình do giá lương thực tăng và buộc Chính phủ phải gia tăng việc trợ giá cho lương thực…

MỚI - NÓNG