LHQ muốn gửi quân giữ hòa bình tới Libăng

LHQ muốn gửi quân giữ hòa bình tới Libăng
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan và thủ tướng Anh Tony Blair lên tiếng kêu gọi gửi đội quân gìn giữ hòa bình tới Libăng để ngăn chặn các cuộc tấn công vào Israel.
LHQ muốn gửi quân giữ hòa bình tới Libăng ảnh 1
Israel tiếp tục bắn phá các mục tiêu ở Libăng

Ông Blair nói đội quân này sẽ "ngăn chặn các cuộc ném bom vào lãnh thổ Irsael và sẽ khiến cho Israel không còn lý do gì để tấn công Hezbollah nữa".

Tuần trước Israel đã tiến hành chiến dịch tấn công Hezbollah sau khi hai người lính của họ bị dân quân Libăng bắt giữ.

Hezbollah đã nã hàng trăm quả đạn pháo vào miền Bắc Israel.

Lời kêu gọi của hai ông Annan var Blair được đưa ra trong lúc Israel tiếp tục bắn phá các mục tiêu ở Libăng trong sáu ngày liên tiếp.

Ít nhất 15 người, trong có 9 lính Libăng, bị thiệt mạng trong đợt tấn công mới nhất trải từ thủ đô Beirut tới Tripoli trên mạn Bắc và Baalbek ở phía Đông.

Một số kho dầu tại Beirut đã bị đánh phá và lửa lan tràn khắp khu vực cảng của thủ đô.

Khả năng can thiệp quốc tế

LHQ muốn gửi quân giữ hòa bình tới Libăng ảnh 2

Ý tưởng về chuyện triển khai một lực lượng gìn giữ ổn định quốc tế được đưa ra ngày hôm qua, trong kế hoạch hoà bình cho Trung Đông của nhóm G8.

Lãnh đạo của các nước kinh tế phát triển nhất thế giới họp tại Nga nói rằng họ hoan nghênh một đánh giá của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về khả năng triển khai một lực lượng quốc tế nhằm gìn giữ hay giám sát tình hình.

Tuy nhiên, đề xuất này đặt ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Hiện đã có một lực lượng của Liên Hiệp Quốc có mặt tại đây, gọi là UNIFIL, với khoảng hai ngàn lính. Lực lượng này được thành lập vào tháng 3/1978 sau khi Israel tấn công vào miền nam Libăng.

Các trách nhiệm của lực lượng này là vãn hồi hoà bình và an ninh quốc tế, và trợ giúp cho chính phủ Libăng trong việc quay trở lại nắm quyền một cách hiệu quả. Rõ ràng là cả hai mục tiêu này cho tới nay đều chưa đạt được.

Vậy nên một lực lượng mới của LHQ liệu có làm nên trò trống gì không? Nước nào sẽ cung cấp quân, và phải cần bao nhiêu quân? Rồi liệu nhiệm vụ của họ sẽ chỉ đơn giản là giám sát hay liệu họ phải có vai trò tích cực hơn?

Liệu phe Hezbollah có chấp nhận một lực lượng như thế tại khu vực hay không? Và liệu Israel có tin tưởng vào khả năng của lực lượng này hơn so với lực lượng UNIFIL trước kia?

Mối quan hệ giữa Israel và lực lượng gìn giữ hoà bình LHQ vốn dĩ đã căng thẳng. Việc ông Blair ủng hộ cho lực lượng mới này là nhằm có một sự thúc đẩy mạnh mẽ, thế nhưng vào thời điểm này, đề xuất cũng mới chỉ là ở mức ý tưởng, trong khi bạo lực vẫn lan tràn tại Trung Đông.

Theo BBC

MỚI - NÓNG