LHQ và Ukraine bàn khả năng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Donbas

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc
TPO - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Anatoliyovych Klimkin đã có cuộc điện đàm về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực xung đột trong Donbass của Ukraine.

Hãng Tass ngày 20/2 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Đối với khả năng (triển khai) lực lượng gìn giữ hòa bình ở miền Đông Ukraine, Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết sẽ tham vấn các bên liên quan trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào, đặc biệt là các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”.

Tại cuộc điện đàm, ông Ban Mi-moon cũng bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột ở phía Đông của Ukraine và bày tỏ hy vọng về việc tuân thủ quy định ngừng bắn theo thỏa thuận Minsk.

Trước khi Ngoại trưởng Pavlo Anatoliyovych Klimkin có cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã lên tiếng yêu cầu đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc và EU đến giám sát miền Đông nước này.

Yêu cầu này đã được Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine chấp thuận và ông Aleksandr Turchinov, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia, ngày 18/2 cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng Quốc hội Ukraine sẽ ủng hộ yêu cầu này của ông Poroshenko”. 

Ông Turchinov tin rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ không chỉ đồn trú ở khu vực phân giới giữa phe đối lập và quân Chính phủ Ukraine mà còn tại khu vực biên giới Nga- Ukraine mà phe đối lập vẫn đang kiểm soát. 

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin lại khẳng định: “Ukraine nên tập trung hơn vào việc tuân thủ thỏa thuận Minsk”. 

Theo ông Churkin, yêu cầu của ông Poroshenko cho thấy ông này “thiếu quyết tâm” trong việc thực thi những gì mà nước này đã đồng ý với các đại diện ở miền Đông tại Minsk vào ngày 12/2.

“Tôi nghĩ điều này khá khó hiểu bởi họ vừa mới ký thỏa thuận Minsk ngày 12/2 và thỏa thuận Minsk tạo ra tiền đề cho việc giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chứ không phải là Liên Hợp Quốc hay EU. Chính vì thế, thay vì nghĩ ra một ý tưởng mới, họ nên tập trung vào những gì họ đã từng nhất trí sẽ làm”.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Tass
MỚI - NÓNG