LHQ: Việc mở rộng Hội đồng Bảo an bế tắc

LHQ: Việc mở rộng Hội đồng Bảo an bế tắc
Bước sang ngày thảo luận thứ hai, dự thảo cải cách Liên Hợp Quốc (LHQ) do nhóm G4 gồm Brazil, Đức, Nhật Bản, và Ấn Độ soạn đã vấp phải sự chia rẽ sâu sắc trong Đại hội đồng.

Bản dự thảo do Đại sứ Brazil tại LHQ Mota Sardenberg trình bày kêu gọi mở rộng Hội đồng Bảo an từ 15 thành viên hiện nay lên 25 thành viên. Trong đó số thành viên thường trực cũng tăng từ 5 nước (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga) hiện nay lên 11 thành viên.

Lập luận của nhóm G4 là Hội đồng Bảo an được lập ra từ năm 1945 đã trở nên lỗi thời so với tình hình hiện nay. Bản dự thảo không nêu rõ những nước nào có thể trở thành những ủy viên thường trực bổ sung.

Tuy nhiên, dư luận tại New York cho rằng 6 thành viên mới là 4 nước G4 và 2 nước chưa xác định ở châu Phi. Việc mở rộng thành viên Hội đồng Bảo an nằm trong dự án cải cách toàn diện LHQ do Tổng thư ký Kofi Annan hăng hái vận động và được 23 quốc gia trong đó có Pháp ủng hộ.

Ông Kofi Annan kêu gọi Đại hội đồng hãy vượt qua những sự khác biệt về việc mở rộng Hội đồng Bảo an và cải cách LHQ để làm cho tổ chức này có trách nhiệm hơn đối với các thách thức mới.

Theo dự kiến, vào tháng 9 tới, nguyên thủ các quốc gia sẽ thảo luận vấn đề cải cách này. Đại sứ Nhật Bản tại LHQ Kenzo Oshima thúc giục Đại hội đồng thông qua bản dự thảo mở rộng Hội đồng Bảo an cả về số thành viên thường trực lẫn thành viên không thường trực. Các thành viên mới sẽ bao gồm cả các quốc gia đang phát triển và đã phát triển.

Trong khi đó, các nước châu Phi lại đưa ra một kế hoạch riêng nhưng kém thuyết phục hơn. Liên minh châu Phi cho rằng Hội đồng Bảo an cần được mở rộng lên 26 thành viên, trong đó 6 thành viên thường trực mới phải bao gồm 2 nước châu Phi và 5 thành viên mới không thường trực bao gồm 2 quốc gia châu Phi. Kế hoạch của châu Phi làm rầu lòng các quốc gia G4.

Đáng chú ý là các đại diện Mỹ, Nga đã lên tiếng phản đối việc thông qua các dự thảo của nhóm G4 và của khối châu Phi, cho rằng thời điểm chưa thích hợp.

Nữ Đại sứ Mỹ Tahir Kheli khẳng định Hoa Kỳ không thể ủng hộ các dự thảo nói trên vì việc bỏ phiếu cho cải cách Hội đồng Bảo an lúc này sẽ gây chia rẽ LHQ.

Phía Mỹ cho rằng, dự thảo của nhóm G4 không giúp gì cho việc tăng cường sức mạnh của LHQ. Bà Tahir Kheli đã kêu gọi các thành viên khác bỏ phiếu chống lại dự thảo của nhóm G4. 

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Andrei Denisov cũng không tán thành việc mở rộng thành viên Hội đồng Bảo an lúc này. Ông Denisov cảnh báo: “Những ai tìm cách thúc đẩy cho việc thông qua sớm đối với một vấn đề quan trọng như cải cách Hội đồng Bảo an LHQ sẽ phải chịu trách nhiệm nghiêm khắc”.

LHQ hiện có 191 thành viên. Theo qui định, để thông qua một nghị quyết cần ít nhất 128 phiếu ủng hộ tương đương 2/3 tổng số.

MỚI - NÓNG