LHQ hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân

LHQ hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân
TPO - Tại phiên họp ngày 24/9 dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết kêu gọi các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân hủy bỏ loại vũ khí này.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Hội đồng bảo an kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 1946, Tổng thống Mỹ chủ trì một phiên họp.

Đây cũng mới chỉ là lần thứ năm trong lịch sử, Hội đồng Bảo an tổ chức phiên họp cấp người đứng đầu nhà nước và chính phủ, đồng thời cũng là lần đầu tiên thảo luận riêng về vấn đề giải giáp và phổ biến hạt nhân.

“Tôi kêu gọi tổ chức phiên họp này để chúng ta có thể tập trung ở mức cao nhất đối với mối đe dọa an ninh cơ bản của tất cả các dân tộc và tất cả các quốc gia – đó là sự phổ biến vũ khí hạt nhân.”, Tổng thống Obama phát biểu tại phiên họp.

“Thể chế này (Hội đồng bảo an) được thành lập vào đầu kỷ nguyên hạt nhân và mặc dù chúng ta đã đẩy lui được cơn ác mộng hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh nhưng hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với sự phổ biến của vũ khí hạt nhân. Điều đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới và những chiến lược mới.”

Tổng thống Mỹ cho rằng, năm tới (năm 2010) có tính chất “then chốt” quyết định liệu các nỗ lực ngăn chặn phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân có thành công hay không.

Dự  thảo nghị quyết của Liên Hợp Quốc do Mỹ soạn thảo kêu gọi “nỗ lực hơn nữa trong hoạt  động giải giáp hạt nhân” và thúc giục các quốc gia chưa phê chuẩn Hiệp ước Cấm phổ  biến hạt nhân (NPT) nhanh chóng ký kết văn bản này.

Nghị quyết cũng kêu gọi chấm dứt việc phổ biến vũ  khí hạt nhân và yêu cầu các nước đã phê chuẩn NPT giữ đúng cam kết không phát triển các đầu đạn hạt nhân.

Hiện nay, cả năm thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc – bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh – đều sở hữu bom và đầu đạn hạt nhân.

Trong nhiều thập kỷ qua, những nước đã tham gia NPT nhưng không sở hữu vũ khí hạt nhân thường lên tiếng chỉ trích các cường quốc hạt nhân cố gắng ngăn cản các quốc gia khác gia nhập vào “câu lạc bộ hạt nhân”nhưng lại không thực hiện đúng cam kết của mình.

Hiện nay, một số quốc gia, như Ấn Độ và  Pakistan mặc dù sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng không phê chuẩn NPT. Trong khi đó, Israel chưa bao giờ thừa nhận có vũ khí hạt nhân nhưng các chuyên gia quốc tế đều cho rằng nước này có kho vũ khí hạt nhân.

CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi NPT năm 2003 và đã tiến hành thử hạt nhân lần đầu năm 2006, lần thứ  hai vào năm 2008.

Nghị  quyết mới cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phê chuẩn hiệp ước cấm thử hạt nhân và ủng hộ các nỗ lực đàm phán về một văn bản cấm sản xuất vật liệu có thể chiết tách làm vũ khí hạt nhân.

Linh Huy
Theo Reuters, AP, CNN

MỚI - NÓNG