Libya: Phía sau nghị quyết vùng cấm bay

Libya: Phía sau nghị quyết vùng cấm bay
TP - Đằng sau nghị quyết của Liên hợp quốc cho phép can thiệp quân sự vào Libya là sự đấu tranh lợi ích quyết liệt của các nước có quyền bỏ phiếu.

> Phe nổi dậy rút khỏi thành phố dầu mỏ

Quân nổi dậy bắn rocket về phía lực lượng của ông Gadhafi Ảnh: AP
Quân nổi dậy bắn rocket về phía lực lượng của ông Gadhafi.
Ảnh: AP.

Pháp hăng hái

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhìn thấy cơ hội chính trị và ngoại giao từ cuộc nổi dậy ở Libya ngay từ hôm 15-2. Tuy nhiên, sự lãnh đạo đầy nhiệt huyết của vị tổng thống Pháp để “bảo vệ người Libya khỏi nhà lãnh đạo Moammar Gadhafi” liệu có thể cứu vãn vị thế đang xuống dốc của ông Sarkozy trước cuộc bầu cử năm tới hay không, vẫn là điều chưa chắc chắn.

Trong khi đó, một số nhà lãnh đạo Pháp vấp phải tình thế dở khóc dở cười khi quyền lợi cá nhân nhiều khi đi ngược lợi ích của đất nước. Bà Michele Alliot-Marie lúc còn là Bộ trưởng Ngoại giao Pháp mới đây đi nghỉ đông ở Tunisia, nơi trước đây là lãnh thổ của Pháp.

Bà và gia đình được bay miễn phí trên chuyên cơ của một doanh nhân thân cận với Tổng thống Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali, sau đó tuyên bố Pháp sẽ giúp đỡ kiểm soát tình hình nổi loạn chỉ vài ngày trước khi ông Ben Ali bị lật đổ vì các cuộc nổi dậy.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Pháp Francois Fillon vừa qua đi nghỉ Giáng sinh ở Nile với tư cách khách mời của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, trong khi ông Sarkozy và vợ thưởng ngoạn ở Morocco, nơi trước đây là lãnh thổ của Pháp. Các đài truyền hình đang phát đi cảnh ông Gadhafi được chào đón bằng thảm đỏ ở Paris năm 2007 tại dinh tổng thống Elysee.

Hôm 27-2, vài ngày sau khi lực lượng nổi dậy giật lá cờ ba màu để phản đối ông Gadhafi, ông Sarkozy sa thải bộ trưởng ngoại giao của mình. Trong bài phát biểu bổ nhiệm Alain Juppe, ông Sarkozy nhấn mạnh yêu cầu phải thích nghi với chính sách an ninh và ngoại giao của Pháp trong tình hình mới. Nhưng chiến dịch quốc tế chống lại ông Gadhafi có thể không xảy ra nếu không có vai trò của nhà hoạt động Bernard-Henri Levy, người đã vận động ông Sarkozy nắm lấy cơ hội ủng hộ phong trào vì dân chủ ở Libya.

Libya là mắt xích cuối cùng trong chuỗi sự kiện quốc tế mà Levy ủng hộ trong suốt hai thập kỷ qua, sau các sự kiện bất ổn ở Bosnia, Algeria và Gruzia. Levy tới gặp quân nổi dậy ở Libya rồi gọi điện cho ông Sarkozy hồi đầu tháng 3.

“Tôi muốn đưa ông tới những chỉ huy Massaoud của Libya”, Levy so sánh những người chống đối ở Libya với Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh phong trào chống lại lực lượng Hồi giáo Taliban trước khi bị ám sát. “Vì Gadhafi chỉ nghiêng về bạo lực, tôi nghĩ ông ta sẽ sụp đổ”.

Hôm 10-3, Levy đi cùng hai đoàn đến từ Hội đồng lâm thời Libya tới văn phòng của ông Sarkozy. Tổng thống Pháp coi hội đồng này là “đại diện hợp pháp của người Libya”, và nói ông ủng hộ việc thiết lập vùng cấm bay để bảo vệ họ, và còn thực hiện các chiến dịch tấn công có mục tiêu chống lại lực lượng của ông Gadhafi. Hành động của ông Sarkozy không có sự tham vấn Liên minh châu Âu trước thềm hội nghị thượng đỉnh của liên minh này sắp diễn ra.

Thủ tướng Anh David Cameron nhận thức rõ về cuộc chiến Iraq nên quay lưng lại với học thuyết can thiệp của người tiền nhiệm Tony Blair sau khi nhậm chức năm 2010. Nhưng sau khi bị chỉ trích về sự di tản chậm chạp các công dân của Anh khỏi Libya và chuyến đi thúc đẩy quan hệ thương mại tới vùng Vịnh trong thời điểm diễn ra cuộc nổi loạn, ông Cameron đã tham gia cùng ông Sarkozy trong chiến dịch quân sự ở Libya. Tuy nhiên, ông Cameron bảo đảm sẽ không dính vào một cuộc chiến kiểu Iraq.

Đức ủng hộ hòa bình

Ở Đức, lực lượng nổi dậy Libya không được ủng hộ trong giới chính trị. Bộ trưởng Ngoại giao Guido Westerwelle, lãnh đạo của đảng Dân chủ tự do, nỗ lực ủng hộ tư tưởng của những người theo đuổi chủ nghĩa hòa bình bằng cách phản đối hành động quân sự. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 2/3 người bỏ phiếu phản đối Đức dính líu vào Libya.

Lực lượng quân sự của Đức đã quá mệt mỏi ở Afghanistan, nơi có 5.000 binh lính Đức tham gia chiến dịch lâu dài không được nhiều người ủng hộ. Westerwelle công khai chỉ trích đề xuất của Pháp và Anh về việc ra nghị quyết cho phép can thiệp quân sự vào Libya.

Đức đã ngăn cản hội nghị thượng đỉnh của EU hôm 11-3 đưa ra bất kỳ lời kêu gọi thiết lập vùng cấm bay nào. Quan điểm này khiến quan hệ giữa Ngoại trưởng Westerwelle và Thủ tướng Đức Angela Merkel và các đồng minh xấu đi.

Mỹ bị ám ảnh bởi quá khứ

Trong khi đó ở Washington, Tổng thống Barack Obama vẫn đang suy nghĩ để đưa ra quyết định. Hành động quân sự ở Libya là điều cuối cùng ông Obama muốn, sau khi nỗ lực đưa lính Mỹ rút khỏi cuộc chiến ở các nước Hồi giáo do người tiền nhiệm khởi xướng.

Ông Obama đang tìm cách xây dựng lại quan hệ với thế giới Hồi giáo nhằm làm dịu những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan và khủng bố đang chống lại Mỹ. Vị tổng thống này đang phải cân nhắc giữa các phong trào ủng hộ dân chủ và cải cách ở thế giới Ảrập và Iran, trong khi phải tránh làm mất đi lợi ích thiết yếu của Mỹ ở Ảrập Xêút, Bahrain và các quốc gia vùng Vịnh khác. So với những thách thức này, Libya chưa thấm vào đâu.

Mỹ không có nhiều lợi ích kinh tế hay chính trị tại quốc gia cung cấp dầu và gas ở Bắc Phi này, nơi thường được coi là một phần sân sau của châu Âu. Trong khi đó, ông Obama khuyến khích các đồng minh, đặc biệt ở châu Âu, đảm nhiệm trách nhiệm lớn hơn nhằm bảo đảm an ninh cho chính họ.

Ông Obama hôm 29-3 ký một sắc lệnh bí mật để che đậy sự ủng hộ của Mỹ với lực lượng nổi dậy của Libya. Nhà Trắng và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.

Ngay trước khi tân Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Alain Juppe bay tới New York để vận động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua lệnh thiết lập vùng cấm bay, quan điểm của Nga vẫn chưa chắc chắn. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mạnh mẽ phản đối khu vực cấm bay trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ở Geneva hôm 28-3, và vẫn tỏ quan điểm nghi ngờ trong cuộc họp ở Paris hôm 14-3.

Tuy nhiên, ông Lavrov sau đó nói rằng, Nga sẽ không cản trở nghị quyết. Một quan chức cao cấp của Mỹ phủ nhận Washington đã hứa cho Nga một số lợi ích ngoại giao và thương mại nếu nước này bằng lòng với đề xuất. Tuy nhiên, một tuần sau, ông Obama gọi điện cho Tổng thống Nga Dimitry Medvedev tái khẳng định ủng hộ đơn xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Nga.

Thái An
Theo Reuters

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG