Libya: Quân chính phủ nã pháo phe nổi dậy

Phe nổi dậy rút lui trước hỏa lực mạnh của quân chính phủ. Ảnh: AP
Phe nổi dậy rút lui trước hỏa lực mạnh của quân chính phủ. Ảnh: AP
TP - Các lực lượng thân Đại tá Moammar Gadhafi hôm 23-3 tăng cường pháo kích vào các vị trí của phe nổi dậy ở bên ngoài một thành phố phía đông Libya nhằm ngăn họ lợi dụng chiến dịch không kích của phương Tây để co cụm, củng cố đội ngũ.

>> Lộ diện người thủ tiêu con trai đại tá Gaddafi

>> Toàn cảnh cuộc khủng hoảng và chiến tranh ở Libya

Phe nổi dậy rút lui trước hỏa lực mạnh của quân chính phủ. Ảnh: AP
Phe nổi dậy rút lui trước hỏa lực mạnh của quân chính phủ.
Ảnh: AP.

Tại thành phố phía đông Ajdabiya gần thủ đô Tripoli, quân chính phủ và phe nổi dậy giao tranh ở thế giằng co suốt tuần qua, chưa bên nào có đủ sức mạnh đè bẹp đối phương để kiểm soát hoàn toàn thành phố 140.000 dân này.

Mấy ngày qua, lực lượng ủng hộ ông Gadhafi thường dùng vũ khí nặng tấn công các nhóm quân nổi dậy (thông thường khoảng vài trăm người và sử dụng vũ khí hạng nhẹ). Phe nổi dậy đáp trả bằng tên lửa Katyusha nhưng thừa nhận hỏa lực của quân chính phủ vẫn áp đảo. Một quân nổi dậy cho biết, lực lượng nổi dậy phụ thuộc vào việc Mỹ và NATO không kích quân đội Gadhafi

Nhiều nhà ngoại giao phương Tây nói rằng, Mỹ và các đồng minh NATO đang thảo luận để ký kết một hiệp định cho phép NATO sắp tới chịu trách nhiệm thực thi vùng cấm bay ở Libya hiện do Mỹ đảm nhiệm. Kể từ ngày 23-3, tàu chiến NATO bắt đầu tuần tra ngoài khơi bờ biển Libya nhằm ngăn chặn việc chuyên chở vũ khí cho chính quyền Gadhafi.

Đêm 22-3, Đại tá Gadhafi phát biểu khoảng 5 phút trên truyền hình nhà nước Libya, lên án liên quân không kích quân đội chính phủ. Ông nói: “Hỡi những người con Libya, giờ đây chúng ta phải sống. Đây là thời khắc vinh quang… Chúng ta sẽ không đầu hàng”.

Đại tá Gadhafi nói rằng, Libya sẽ tiếp tục chiến đấu bất kể cuộc chiến này dài hay ngắn. Ông gọi những nước tham gia không kích Libya là bọn phát xít. “Bọn phát xít sẽ phải kết liễu cuộc đời chúng trong thùng rác của lịch sử”, ông Gadhafi nói trước đám đông ở Tripoli. Ngay sau khi ông kết thúc bài phát biểu, những người ủng hộ bắn pháo hoa bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền Gadhafi.

Truyền hình nhà nước Libya cho biết đài này đã truyền hình trực tiếp ông Gadhafi đứng trên ban công biệt thự của ông ở Bab al Aziziya từng bị tên lửa Tomahawk của Mỹ bắn trúng hôm chủ nhật.

Suốt đêm 22-3, Tripoli vang rền tiếng nổ do liên quân không kích cùng tiếng đạn pháo phòng không của quân đội Libya. Cư dân Tripoli xác nhận có hai tiếng nổ rất lớn vào rạng sáng 23-3. Đêm 22-3, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói với truyền hình ABC rằng, một số người thân cận với ông Gadhafi đang tìm cách liên lạc với nước ngoài để thăm dò về những lựa chọn cho tương lai.

Họ nêu những câu hỏi đại loại như: Chúng tôi phải làm gì? Cách nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng này? Điều gì sắp xảy ra? Bà Hillary dẫn một nguồn tin chưa được xác nhận nói rằng, một trong số các con trai của ông Gadhafi mới đây thiệt mạng.

Cho đến nay, hầu hết vùng phía đông Libya rơi vào tay phe nổi dậy - một lực lượng chỉ có nhiệt tình chứ không có kỷ luật. Họ tranh thủ lợi thế từ việc liên quân không kích quân chính phủ để co cụm, củng cố lực lượng.

Liên quân quốc tế tham gia không kích Libya lần này gồm Mỹ, Canada, một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Anh... Không quân Qatar sẽ tham gia bay tuần tra trên bầu trời Libya từ cuối tuần này. Qatar là quốc gia thành viên đầu tiên của Liên đoàn Ảrập tham gia trực tiếp chiến dịch chống một thành viên khác của Liên đoàn.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang rất muốn từ bỏ vai trò lãnh đạo liên quân, trong lúc các thành viên liên quân chia rẽ về việc ai sẽ thay Mỹ đảm nhiệm vai trò đó.

Một đề nghị mang tính thỏa hiệp nói rằng, NATO sẽ nắm vai trò lãnh đạo chủ chốt trong chiến dịch quân sự chống ông Gadhafi trên cơ sở liên quân này được dẫn dắt bởi một ủy ban gồm bộ trưởng ngoại giao một số nước phương Tây và thế giới Ảrập. Các quan chức cho biết, ủy ban này từng thông qua kế hoạch áp đặt vùng cấm bay với Libya.

Đ.P
Theo Reuters

Ngày 23-3, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) kêu gọi Libya và liên quân thực hiện vùng cấm bay ở nước này không để chiến dịch quân sự ảnh hưởng các di sản văn hóa.

Tám trong 10 nước tham gia can thiệp quân sự vào Libya đã phê chuẩn Công ước La-hay về bảo vệ tài sản văn hóa khi xảy ra xung đột vũ trang nên họ phải tôn trọng văn kiện này, trong khi “một số di sản lớn thể hiện thành tựu nghệ thuật và kỹ thuật vĩ đại của tổ tiên người Libya”, Tổng giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova, nói.

Libya có 5 di sản văn hóa thế giới, gồm đô thị cổ Ghadames tại một ốc đảo trong sa mạc, khu nghệ thuật đá Tadrart Acacus và 3 di chỉ khảo cổ Cyrene, Leptis Magna và Sabratha.

Minh Long
Theo Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG