Liên Hợp Quốc lại đau đầu vì tiền

Liên Hợp Quốc lại đau đầu vì tiền
TP - Ngày 22/12 (theo giờ Việt Nam), một ủy ban của LHQ đã thống nhất đề nghị khoản ngân sách 4,2 tỷ USD cho năm tài chính 2008 – 2009, tăng 5% so với 3,8 tỷ USD ngân sách của năm 2006 – 2007.

Khoản ngân sách trên nhận được sự đồng thuận của 141 nước thành viên LHQ và chỉ có 1 phiếu chống từ Mỹ vì nó bao gồm khoản tiền 6,7 triệu USD dành cho một hội nghị quốc tế mà Mỹ cho rằng có chiều hướng chống lại nhà nước Do Thái Israel.

Liên Hợp Quốc lại đau đầu vì tiền ảnh 1
Trụ sở LHQ tại New York (Mỹ)

4,2 tỷ USD là khoản ngân sách hành chính thường lệ, chưa bao gồm ngân sách không thường lệ. Mặt khác, ngân sách chi cho hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới cũng không bao gồm trong khoản ngân sách hành chính thường lệ này.

Quan chức LHQ nói rằng, do lạm phát và tỷ lệ quy đổi, khoản ngân sách thực sự có thể tăng lên 4,4 tỷ USD. Ngân sách dành cho LHQ chi tiêu trong 2 năm tới sẽ sớm được đưa ra bỏ phiếu tại Ủy ban Ngân sách của Đại hội đồng LHQ gồm 192 thành viên.

Tuy nhiên, sự phản đối của Mỹ sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp. Mỹ hiện là nước đóng góp nhiều nhất cho LHQ, chiếm 22% ngân sách của LHQ; Nhật Bản đứng thứ 2 với 20%; tiếp theo là Đức, Anh, Italia và Pháp. Những vướng mắc trong vấn đề ngân sách giữa LHQ và Mỹ có thể khiến Quốc hội Mỹ xem xét việc cắt giảm khoản tiền dành cho LHQ trong những năm tới.

Quan chức Mỹ cho rằng, 75% của khoản ngân sách mới sẽ dùng để trả lương cho đội ngũ nhân viên LHQ. Đại sứ Mỹ tại LHQ Zalmay Khalilzad nói: “Mỹ không thể ủng hộ khoản ngân sách này. Nó không thực tế”. LHQ chịu trách nhiệm tài trợ cho các chương trình tại nhiều quốc gia, với ưu tiên cao nhất dành cho những nước bị xé nát bởi xung đột như Iraq, Afghanistan.

Đội ngũ nhân viên LHQ hiện có hơn 50.000 người trên toàn thế giới, nhiều người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn. Số nhân viên làm việc thường xuyên ở hội sở LHQ tại New York (Mỹ), Vienna (Áo) và Geneva (Thụy Sĩ) vào khoảng 4.000 – 5.000 người.

Những năm gần đây, vào dịp cuối năm, LHQ luôn phải đau đầu vì nhu cầu chi tiêu ngày càng lớn trong khi một số nước thành viên lại muốn rút bớt khoản tiền đóng góp hàng năm để “nuôi” LHQ và đưa ra những đòi hỏi khắt khe hơn.

H.D (Tổng hợp)

MỚI - NÓNG