Liên hợp quốc: Triều Tiên kiếm 200 triệu USD bất chấp lệnh trừng phạt

Năm 2017, Triều Tiên vẫn lén lút xuất khẩu than đá, sắt thép, đạn dược ra nước ngoài và thu về 200 triệu USD.
Năm 2017, Triều Tiên vẫn lén lút xuất khẩu than đá, sắt thép, đạn dược ra nước ngoài và thu về 200 triệu USD.
TPO - Một nhóm các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết đã tìm thấy bằng chứng về hợp tác quân sự của Triều Tiên để phát triển các chương trình vũ khí hóa học Syria và cung cấp cho Myanmar các tên lửa đạn đạo.

Báo cáo của nhóm này cho biết, Triều Tiên tiếp tục xuất khẩu gần như tất cả hàng hoá bị cấm trong nghị quyết của Liên Hợp Quốc như than đá, sắt thép,vũ khí, đạn dược và mang về doanh thu gần 200 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2017. "Hành động này của Triều Tiên dường như thách thức lệnh trừng phạt của LHQ", báo cáo nêu rõ.

Syria và Myanmar được cho là đang tiếp tục hợp tác với tập đoàn KOMID của Triều Tiên, tập đoàn xuất khẩu vũ khí chủ chốt của nước này và cũng nằm trong danh sách cấm vận của LHQ.

 Các chuyến hàng vận chuyển than đã được vận chuyển tới Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nga bằng cách sử dụng sự kết hợp của nhiều thủ thuật trốn tránh và ngụy trang tinh vi.

 Hội đồng Bảo an LHQ năm ngoái thông qua một loạt các nghị quyết để thắt chặt các lệnh cấm xuất khẩu đối với Triều Tiên nhằm cắt giảm nguồn thu từ nước này cho các chương trình quân sự.

Mỹ cũng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt sau cuộc thử hạt nhân lần thứ 6 của CHDCND Triều Tiên và một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng đất liền Mỹ có thể nằm trong phạm vi hủy diệt của tên lửa Triều Tiên.

 Theo ghi nhận, năm ngoái chỉ có 7 chiếc tàu vận chuyển than và xăng dầu của Triều Tiên bị cấm nhập vào các cảng trên toàn thế giới do vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ, tuy nhiên các chuyên gia cho biết cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với những hoạt động bất hợp pháp tràn lan.

 Ủy ban của LHQ đã phát hiện ra rằng, gần đây nhất Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết bằng cách lợi dụng các chuỗi cung cấp dầu mỏ toàn cầu, các công dân Triều Tiên ở nước ngoài hoặc các cơ quan đăng ký ở nước ngoài và hệ thống ngân hàng quốc tế.

 Các cuộc điều tra cho thấy, có bằng chứng mới liên quan đến hợp tác quân sự của Bình Nhưỡng với Damascus, bao gồm ít nhất ba chuyến thăm của kỹ thuật viên Triều Tiên tới Syria vào năm 2016. "Chuyến thăm của một phái đoàn kỹ thuật  Triều Tiên vào tháng 8 năm 2016 liên quan đến việc chuyển các van điện trở đặc biệt và nhiệt kế được sử dụng trong các chương trình vũ khí hóa học,"báo cáo cho biết.

 Một quốc gia thành viên giấu tên cho biết, các kỹ thuật viên của Triều Tiên vẫn tiếp tục hoạt động tại các cơ sở vũ khí hóa học và vũ khí tên lửa ở Barzei, Adra và Hama ở Syria.

 Tuy nhiên, Syria phủ nhận điều này. Họ cho rằng, không hề có kỹ thuật viên Triều Tiên trong lãnh thổ của họ và các chuyên gia duy nhất của Triều Tiên ở nước này  hoạt động trong lĩnh vực thể thao.

 Một quốc gia thành viên giấu tên khác cũng thông báo rằng, Myanmar đã nhận được hệ thống tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên cùng với một loạt các vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa phóng và tên lửa đất đối không. Nguồn tin này cho biết, các nhà ngoại giao Triều Tiên, đặc biệt là các đại diện thương mại, tiếp tục cung cấp hỗ trợ hậu cần cho việc bán vũ khí và hỗ trợ trao đổi kỹ thuật quân sự.

 Các chuyên gia của LHQ nhận định, mặc dù các biện pháp trừng phạt đã được mở rộng đáng kể, nhưng Triều Tiên vẫn đạt được mục tiêu của mình bằng ý chí chính trị. Họ cho rằng, năm 2018 cũng đã mở ra một cánh cửa mới cho Triều Tiên trước khi họ có những tính toán sai lầm với những hậu quả tai hại cho hoà bình và an ninh quốc tế.

Theo SCMP
MỚI - NÓNG