Lộ chuyện chạy phiếu, hối lộ bầu cử để vào Trung Nam Hải

Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch (từ trái qua phải).
Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch (từ trái qua phải).
TP - Bên cạnh việc kể lại và ca ngợi công tác chuẩn bị nhân sự là dân chủ, thiết thực và hiệu quả tại Đại hội 19, lần đầu tiên Tân Hoa xã tiết lộ và phê phán đích danh Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch đã lợi dụng hội nghị tiến cử để tiến hành các hoạt động phi tổ chức kéo phiếu, hối lộ giành phiếu trong bầu cử.

Ngày 26/10 vừa qua, Tân Hoa xã phát đi bài “Báo cáo tại chỗ về việc hình thành cơ quan lãnh đạo trung ương khóa mới – tập thể lãnh đạo kiên cường dẫn dắt trong thời đại mới” mô tả lại quá trình tuyển chọn, hình thành cơ quan lãnh đạo ĐCS Trung Quốc khóa mới. Bài báo viết, “trong việc lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước, Đảng ta có truyền thống tốt đẹp, không ngừng tích cực tìm kiếm, có kinh nghiệm và cũng có cả bài học. Đại hội 17 và Đại hội 18 đã áp dụng phương thức hội nghị tiến cử; nhưng do quá nhấn mạnh số lượng phiếu nên gây nên một số tiêu cực: có đồng chí trong quá trình tiến cử tại hội nghị đã “gắn với số phiếu” một cách giản đơn, dẫn đến tùy tiện bỏ phiếu, không phản ánh đúng dân ý, thậm chí bỏ “phiếu quan hệ”, “phiếu tình cảm”. Nhóm Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp trung ương), Tôn Chính Tài (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh), Lệnh Kế Hoạch (nguyên Bí thư trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương) mà trung ương đã điều tra xử lý từng lợi dụng hội nghị tiến cử để tiến hành hoạt động phi tổ chức kéo phiếu, hối lộ bầu cử”.

Trong số 3 người bị Tân Hoa xã điểm danh, ông Tôn Chính Tài bị lập hồ sơ điều tra ngày 24/7, bị khai trừ đảng tịch và công chức ngày 29/9. Theo Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW), Tôn Chính Tài bị coi là phạm 6 tội như: “đánh mất lập trường chính trị, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức và quy tắc chính trị, đặc quyền, tiết lộ bí mật…”. Ngày 19/10, phát biểu tham luận tại Đại hội 19, ông Lưu Sĩ Dư, Chủ tịch Ủy ban quản lý giám sát chứng khoán (SFC) đã công khai lên án Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng và Tôn Chính Tài “âm mưu cướp đảng đoạt quyền”. Dư luận cho rằng điều này đã gián tiếp chứng minh thế lực chống đối mấy năm gần đây nhiều lần âm mưu chính biến chống ông Tập Cận Bình.

Việc các ông Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch “hoạt động phi tổ chức, kéo phiếu, hối lộ bầu cử”, trước đó báo chí Trung Quốc đã viết rõ: sau khi con trai là Lệnh Cốc bị chết trong vụ tai nạn siêu xe ngày 18/3/2012; để che giấu nguyên nhân cái chết của con, Lệnh Kế Hoạch đã liên kết với Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang lợi dụng việc giúp Lệnh Kế Hoạch che đậy nguyên nhân cái chết của con để lôi kéo; sau đó Lệnh Kế Hoạch dùng quyền Chủ nhiệm Văn phòng TW để tổ chức cho Ban chấp hành TW bỏ phiếu thăm dò về “Ban thường vụ Bộ Chính trị”, kết quả Lệnh Kế Hoạch được số phiếu cao thứ ba. Cuộc bỏ phiếu này do Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào triệu tập các Ủy viên TW về Bắc Kinh tiến hành vào ngày 7/5/2012 thay vì ngày 25/6 như dự định. Kết quả cho thấy Lệnh Kế Hoạch xếp thứ 3, nhưng sau đó có ý kiến phê phán nó được tiến hành không theo trình tự như đã xin ý kiến tư vấn của các vị lãnh đạo đã nghỉ hưu trước đó. Về vụ này trước đây đã có báo đề cập đến, viết: đầu tháng 5/2012, toàn thể các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban thường vụ khóa 17 và hơn 300 cán bộ lãnh đạo cấp bộ, tỉnh và cấp trưởng Đại quân khu trong quân đội đã về họp tại khách sạn Kinh Tây, dùng phương thức bỏ phiếu để thăm dò nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị và Ban thường vụ theo kiểu “trắc nghiệm dân ý”. Tại hội nghị này, Lệnh Kế Hoạch được số phiếu cao rõ rệt. Cuộc bỏ phiếu thăm dò này được tiến hành theo cách triệu tập các Ủy viên TW về Bắc Kinh mà nhiều người trong Bộ Chính trị không hay biết gì, Hành động này của Lệnh Kế Hoạch đã gây nên sự phẫn nộ trong giới cao cấp; vì vậy 2 tháng trước khi diễn ra Đại hội 18, ông ta đã bị điều đi làm Trưởng ban Mặt trận trung ương.

Một vụ việc khác được đề cập đến là khi bầu Chu Vĩnh Khang làm đại biểu đảng bộ Tân Cương đi dự Đại hội 18. Bí thư khu ủy khi đó để lấy lòng Tổ trưởng điều phối công tác Tân Cương Chu Vĩnh Khang đã làm hai việc vi phạm nghiêm trọng: thứ nhất, yêu cầu các khu ủy viên dành lá phiếu số 1 cho Chu Vĩnh Khang; thứ hai là qua 3 vòng kiểm phiếu, 2 lần soát lại, Chu Vĩnh Khang chỉ được 12 phiếu không phải “trúng cử với toàn bộ phiếu bầu”, nhưng khi người điều hành bầu cử báo cáo lại kết quả kiểm phiếu cho bí thư, ông này nói: “Tôi đã báo cáo trước (bằng cách nhắn tin) cho đồng chí Chu Vĩnh Khang rồi, làm sao có thể thu lại được tin nhắn?”.

Bài báo viết, ông Tập Cận Bình đã “dẹp loạn quy chính” trong vấn đề này, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng dân chủ; tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ các nhân sự cho chức Ủy viên TW và Ủy viên UBKTKLTW. Trên cơ sở giữ nghiêm tiêu chuẩn, thông qua trình tự gặp gỡ, nghe ý kiến, thăm dò nhiều lần, hội nghị tiến cử, từng bước hình thành nhân sự ứng cử viên vào cơ quan lãnh đạo; không lập danh sách tiến cử, mà người tiến cử tự vào Trung Nam Hải giới thiệu nhân sự.

Tân Hoa xã tiết lộ: từ cuối tháng 4 đến tháng 6/2017, ông Tập Cận Bình đã lần lượt gặp gỡ nói chuyện, lắng nghe ý kiến của 57 vị lãnh đạo Đảng, chính quyền đương nhiệm, Ủy viên Quân ủy và cán bộ lão thành. Các lãnh đạo cấp cao khác cũng gặp, nghe ý kiến của 258 cán bộ cấp trưởng ở tỉnh, bộ, Bộ tư lệnh chiến trường và Ủy viên TW khóa 18. Có quan chức tham gia tiến cử nhân sự nói: cách làm này đã khắc phục được những tiêu cực do móc ngoặc kiếm phiếu, không có sóng ngầm, trong sáng minh bạch. Tân Hoa xã cũng chỉ rõ: chức vụ lãnh đạo Đảng, nhà nước không phải là “ghế thép” hay “mũ sắt” (ý nói vững chắc, không xê dịch) mà có lên có xuống, có người lãnh đạo đã chủ động bày tỏ xin lui về nhường chỗ cho người trẻ hơn.

MỚI - NÓNG