Lo dịch bệnh, Trung Quốc cấm nhiều chợ gia cầm

Nhiều chợ gia cầm sống ở Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động để tránh làm dịch cúm bùng phát. Ảnh: Xinhua
Nhiều chợ gia cầm sống ở Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động để tránh làm dịch cúm bùng phát. Ảnh: Xinhua
Nhiều chợ gia cầm sống ở Trung Quốc đã bị đóng cửa tạm thời vì dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại, trong thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết âm lịch 2014.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc nói rằng, ở nước này, virus cúm gia cầm H7N9 có thể đã lây từ người sang người, nhưng với quy mô hạn chế.

Ngày 24/1, Trung Quốc xác nhận 9 ca nhiễm H7N9 mới nhất ở nước này, gồm 1 người ở thủ đô Bắc Kinh, 1 người ở tỉnh Quảng Đông và 7 người ở tỉnh Chiết Giang, buộc các thành phố ở Chiết Giang đóng của các chợ gia cầm sống, Xinhua đưa tin.

Chính quyền thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, hôm 23/1 thông báo rằng, hoạt động buôn bán gia cầm sống ở các khu vực đô thị chính sẽ phải tạm dừng, để giúp ngăn cản sự lây lan của dịch cúm H7N9.

Tính đến ngày 24/1, Chiết Giang có 37 trường hợp nhiễm H7N9, nhiều nhất trong số các tỉnh thành của Trung Quốc. Đây cũng là nơi báo cáo trường hợp đầu tiên có thể lây nhiễm chủng virus này từ người sang người hồi tháng 12/2013.

Chính quyền thành phố vừa yêu cầu khử trùng tất cả các chợ gia cầm tại 6 quận, giám sát các trang trại nuôi gia cầm và chim, khu vực sinh sống của chim di cư và các công viên. Những chợ và quầy bán gia cầm sống trong thành phố cũng phải đóng cửa hôm 24/1.

Dịch cúm gia cầm H7N9 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc, chỉ riêng tháng 1/2014 đã phát hiện 73 người nhiễm, nâng tổng số bệnh nhân lên 221 kể từ tháng 3/2013 đến nay. Trong số 221 ca nhiễm, 57 người đã thiệt mạng.

Trước Tết âm lịch luôn là mùa cao điểm tiêu thụ gia cầm sống. Hai chợ gia cầm lớn nhất của Hàng Châu là Gouzhuang và Dajiang đã phải đóng cửa từ hôm 22/1. Trước khi đóng cửa, mỗi ngày chỉ riêng chợ Gouzhuang bán ra khoảng 100.000 gà, vịt, chim bồ câu và ngỗng, cùng với hàng trăm chiếc xe tải chất đầy gia cầm sống ra vào chợ mỗi ngày. Khu chợ giờ đã yên ắng, chỉ còn những chiếc lồng trống được khử trùng và tấm biển: “Cấm làm thịt gia cầm sống. Vi phạm sẽ bị phạt và phải ngừng bán”.

Cty gia cầm Jiaxing Lihua, doanh nghiệp chế biến gia cầm lớn nhất ở Chiết Giang, nói rằng, bị thiệt hại tới hơn 22 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,63 triệu USD) trong năm 2013.

“Chúng tôi chuẩn bị khoảng 3 triệu con gà cho thị trường Tết dương lịch. Khi lệnh cấm có hiệu lực, chúng tôi vẫn còn hơn 700.000 còn gà sẵn sàng được đưa ra chợ”, ông Wang Zewen, quản lý của Jiaxing Lihua, nói.

“Ngay cả trước khi cấm chợ, chúng tôi đã lỗ khoảng 6 nhân dân tệ cho mỗi con gà bán ra. Khi chợ bị đóng cửa, chúng tôi phải chịu lỗ lớn hơn nhiều”, ông than thở.

Ước tính, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng việc tiêu thụ khoảng 10 triệu con gia cầm sống chỉ riêng tại Chiết Giang, theo số liệu của Hội Công nghiệp gia cầm tỉnh. Với 5 trường hợp nhiễm virus H7N9 được phát hiện trên người hôm 23/1, Chiết Giang đã trải qua 15 ngày liên tiếp phát hiện ca nhiễm mới. Trong giai đoạn liên tục có ca nhiễm mới, ngành hàng gia cầm sống bị giảm 70% sản lượng tiêu thụ, trong khi giá sụt 50%, theo một cuộc khảo sát do hiệp hội thực hiện.

Đã có biến thể của H7N9

Tại Trung Quốc, virus H7N9 có thể đã lây nhiễm từ người sang người, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy chủng virus này lây lan phổ biến ở người, báo Trung Quốc China Daily dẫn lời Trưởng đại diện WHO tại Trung Quốc, ông Bernhard Schwartlander.

“Kể từ tháng 10 năm ngoái, chỉ có một nhóm bệnh nhân được phát hiện là có thể virus đã lây từ người sang người”, ông Schwartlander nói. Ông ngụ ý trường hợp nhiễm H7N9 hồi cuối năm ngoái giữa một người đàn ông 30 tuổi và bố vợ của anh này ở tỉnh Chiết Giang.

Ngày 21/1, một bác sĩ 31 tuổi Zhang Xiaodong ở Thượng Hải tử vong sau khi nhiễm H7N9 mà trước đó không tiếp xúc với gia cầm sống. WHO khuyến cáo mọi người cảnh giác, vì chủng virus này vẫn tồn tại trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, WHO cho rằng, chưa có bằng chứng H7N9 lây từ người sang người hoặc biến thể để gây nguy cơ bùng phát thành đại dịch.

Chuyên gia cúm gia cầm Li Lanjuan ở Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cùng nhóm kiểm soát và ngăn chặn dịch H7N9 gần đây phát hiện một biến thể mới một phần của H7N9, cho thấy chủng virus này có khả năng thích nghi với môi trường. “Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm từ người sang người và khiến việc điều trị khó khăn hơn”, Tiến sĩ Liang Weifeng ở Đại học Chiết Giang và cũng là thành viên nhóm kiểm soát, giải thích.

Thành phố Thượng Hải lân cận cũng sẽ dừng hoạt động buôn bán gia cầm sống từ dịp Tết tới ngày 30/4 mỗi năm, bắt đầu từ năm 2014. Thành phố này vừa xác nhận thêm hai ca tử vong vì H7N9, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng vì chủng cúm này lên 4 trong năm 2014, lãnh đạo thành phố Thượng Hải thông báo hôm 23/1.

Lệnh cấm chợ gia cầm sống được đưa ra nhằm kiểm soát sự lây lan trên diện rộng của chủng cúm bằng việc chặn ngay từ nguồn cung cấp ban đầu cũng như sự tiếp xúc gần giữa gia cầm với người, chuyên gia Li Lanjuan cho biết. Theo chuyên gia này, chính phủ cần thực hiện nhiều biện pháp triệt để hơn nữa để ngăn chặn nguồn bệnh.

Chính quyền thành phố Hàng Châu cấm cả việc thả chim bồ câu đưa thư và tất cả những hoạt động khác liên quan đến chim tại các địa điểm tham quan và vườn thú, nhằm kiểm soát sự lây lan phát triển thành đại dịch bằng cách hạn chế tiếp xúc giữa người với gia cầm.

Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ lây nhiễm cao hơn trong dịp Tết năm nay, khi người dân khắp Trung Quốc trở về nhà đoàn tụ, và vẫn giữ truyền thống giết mổ gà, coi thịt gà là món chính. Các chuyên gia khuyên người dân chọn mua gà giết mổ sẵn, đồng thời khuyến cáo nông dân ngừng thả rông gia cầm để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Theo Theo China Daily, Xinhua
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.