Quan chức Mỹ:

Lờ luật pháp quốc tế, Trung Quốc vào thế đối đầu

Trung Quốc ngang nhiên lắp đặt tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International
Trung Quốc ngang nhiên lắp đặt tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ImageSat International
TP - Quyết định sắp tới của tòa quốc tế về vụ kiện Trung Quốc mà Philippines đệ đơn mang tính ràng buộc với cả hai nước. Trung Quốc không nên coi phán quyết đó là mối đe dọa, mà là cơ hội mang đến giải pháp ngoại giao thực sự. Nếu phớt lờ, Bắc Kinh tự đặt mình ở thế đối đầu với các nước láng giềng.

Bà Colin Willett, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề đa phương và chiến lược ở Đông Á - Thái Bình Dương, khẳng định như vậy trong cuộc họp báo qua điện thoại từ Washington DC với các phóng viên Đông Nam Á, trong đó có phóng viên Tiền Phong, hôm 29/3.

Bà Willett nói rằng, từ khi Tổng thống Barack Obama công bố chiến lược tái cân bằng sang châu Á - Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ đã rất rõ ràng về những việc sẽ làm. Bà Willett cho rằng, trong 7 năm qua, chính quyền của Tổng thống Obama đã làm được nhiều điều bằng việc tham gia vào khu vực trên khía cạnh ngoại giao, an ninh và kinh tế.

Theo bà, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands hồi tháng 1 là dấu mốc quan trọng trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ. Trong số các nguyên tắc mà lãnh đạo Mỹ và ASEAN tái cam kết với nhau có tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là liên quan quyền tự do hàng hải và quyền sử dụng các vùng biển quốc tế. Mỹ tin rằng, những cam kết đó đã giúp bảo đảm an ninh và thịnh vượng ở khu vực suốt nhiều thập kỷ qua.

Bà Willett tái khẳng định, Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc và hoan nghênh nước này đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu. Mỹ cũng đang hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, như đàm phán thỏa thuận song phương về bảo đảm an toàn dưới biển và trên trời. Và mục đích của Mỹ là Trung Quốc, với tư cách một cường quốc hàng đầu về thương mại và kinh tế, một cường quốc đang trỗi dậy, tham gia vào một cơ chế trên biển mang tính mở và dựa trên pháp quyền.

Quân sự hóa rồi đổ lỗi

“Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, chúng ta chứng kiến một chiến dịch bồi đắp và lắp đặt cơ sở quân sự trên các thực thể tranh chấp ở biển Đông với quy mô chưa từng có tiền lệ, gây ra nhiều quan ngại”, bà Willett nói.

Quan chức này cũng khẳng định, những gì Trung Quốc đã làm trong hơn 2 năm qua vượt xa rất nhiều những việc các nước khác đã làm trong khu vực tranh chấp. Bà Willett khẳng định, Mỹ rất thẳng thắn khi trao đổi với lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề này. Và Trung Quốc biện luận rằng, những tiền đồn đó phục vụ mục đích dân sự.

“Nhưng thực sự không cần những cơ sở như vậy để bảo vệ dân thường hay trợ giúp ngư dân gặp nạn. Đường băng mà họ xây được thiết kế để đón máy bay ném bom chiến lược, chứ không phải máy bay chở hàng để thực hiện nhiệm vụ nhân đạo hay cứu trợ thiên tai”, bà Willet nói.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, dù Trung Quốc luôn khẳng định họ tôn trọng quyền tự do hàng hải, nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ Trung Quốc cảnh báo qua radio để xua đuổi các máy bay tránh xa khu vực tranh chấp mà họ đang chiếm đóng. “Chúng tôi rất quan ngại và không thấy bất kỳ lý do nào có thể giải thích những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hạn chế tự do hàng hải và tự do bay”, bà Willett nói.

Trung Quốc gần đây cáo buộc Mỹ mới chính là nước gây ra quân sự hóa ở biển Đông, nhưng bà Willett nói rằng, tất cả những hoạt động của Mỹ trên biển Đông cũng như khắp thế giới đều được thực hiện theo đúng luật quốc tế và Mỹ công nhận quyền của các nước được làm như vậy. Mỹ hoạt động ở biển Đông từ nhiều thập kỷ qua để bảo vệ những quyền đó, nhưng nay lại bị Trung Quốc nhìn nhận là quân sự hóa. Nhưng việc quân sự hóa các đảo tranh chấp mà nước khác tuyên bố chủ quyền là việc hoàn toàn khác, bà Willett nói. Việc đưa vũ khí ra các tiền đồn và biến đổi những tiền đó chỉ có thể hiểu theo khía cạnh quân sự. Luật pháp quốc tế bảo đảm không nước nào, kể cả Trung Quốc, được độc quyền làm theo ý mình. Nhưng có vẻ Trung Quốc đang muốn có độc quyền đó, bà Willett nói.

Quan chức Mỹ cho biết, tại hội nghị thượng đỉnh Sunnylands, ASEAN tái khẳng định cam kết tuân thủ luật quốc tế, trong đó có nguyên tắc tự do hàng hải, vì ASEAN hiểu rằng, luật pháp và các quy định có tầm quan trọng chiến lược đối với ổn định của khu vực. ASEAN hiểu hơn ai hết hậu quả mà các nước nhỏ phải hứng chịu khi các quy định và trật tự quốc tế bị coi thường. Và ASEAN hiểu an ninh của chính họ sẽ gặp nguy nếu vùng biển, vùng trời của khu vực bị ảnh hưởng nếu một nước tự cho mình có độc quyền.

Phán quyết của tòa quốc tế ràng buộc với cả Trung Quốc

Bà Willett nói rằng, tình hình biển Đông những tháng tới sẽ chứng kiến một sự kiện rất quan trọng, đó là việc Tòa án trọng tài quốc tế đưa ra phán quyết cho vụ kiện Trung Quốc mà Philippines là đương đơn. Bà Willett cho biết, Mỹ coi phán quyết đó có vai trò rất quan trọng, không chỉ với tình hình biển Đông mà còn trên quy mô toàn cầu, cho thấy trật tự mà các nước cần phải tuân thủ. Bản thân vụ kiện không quyết định ai có chủ quyền đối với các thực thể trên biển mà sẽ phân định các vùng trên biển, quyền của các nước liên quan đối với biển và tài nguyên biển.

Lờ luật pháp quốc tế, Trung Quốc vào thế đối đầu ảnh 1

Bà Colin Willett - Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề đa phương và chiến lược ở Đông Á - Thái Bình Dương.

Bà Willett nhấn mạnh 3 ý nghĩa từ phán quyết của tòa. Trước hết, quyết định của tòa sẽ mang tính ràng buộc đối với cả Trung Quốc và Philippines. Thứ hai, bằng việc làm sáng tỏ quyền được có vùng biển, phán quyết của tòa sẽ là dấu mốc quan trọng mở ra một tiến trình đàm phán mang tính xây dựng hơn, giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy hợp tác lớn hơn. Bà Willett nhấn mạnh, ngay cả với Trung Quốc, phán quyết đó không nên bị nhìn nhận là một một đe dọa, mà là cơ hội mang đến một giải pháp ngoại giao thực sự. “Nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết và không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, họ sẽ tự đặt mình ở thế đối đầu với các nước láng giềng”, bà Willlett nói.

Về câu hỏi của phóng viên rằng, Mỹ và ASEAN có thể làm gì nếu Trung Quốc kiên quyết không thừa nhận quyết định của tòa trọng tài, bà Willett nói rằng, tòa án trọng tài đã tuyên bố rất rõ ràng rằng, họ có thẩm quyền xử lý vụ kiện này, và quyết định của họ mang tính ràng buộc. Cộng đồng quốc tế phải cùng tuyên bố rất rõ ràng rằng, việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ phán quyết của tòa cũng chính là quyền lợi của Trung Quốc và trông đợi nước này tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng Mỹ tăng thêm lực lượng quân sự đến khu vực để ngăn chặn xung đột ở biển Đông, bà Willett nói rằng, Mỹ không phải một bên liên quan ở biển Đông, nhưng Mỹ vẫn sẽ tiến hành các chuyến bay, chuyến tàu và các hoạt động như thường lệ trong vùng biển. Mỹ có một số đồng minh và đối tác ở khu vực và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước bạn bè, đối tác an ninh trong khu vực.

Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ gần đây nói rằng, Mỹ có thể dùng vũ khí thương mại để kiểm soát Trung Quốc ở biển Đông. Trả lời câu hỏi rằng liệu Mỹ có thể sử dụng cơ chế WTO để gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế hay không, bà Willett nói rằng, cách tiếp cận và chiến lược của Mỹ là thông qua các biện pháp ngoại giao, hỗ trợ tăng cường năng lực hàng hải, hỗ trợ việc xây dựng các công cụ quản lý, tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng… “WTO là thực thể khác và chúng tôi cũng có nghĩa vụ đối với tổ chức này”, bà Willett nói.

MỚI - NÓNG