Lo ngại an toàn hàng không quốc tế

Lo ngại an toàn hàng không quốc tế
TP - Hàng loạt tai nạn máy bay gần đây khiến hành khách trên toàn thế giới lo ngại vấn đề an toàn dù hàng không vẫn là một trong những hình thức giao thông có tỉ lệ an toàn cao nhất.

>> Iran: Tai nạn máy bay, gần 170 người chết
>> Tai nạn máy bay tại Iran, 17 người chết
>> Máy bay Yemen gặp nạn
>> Vụ máy bay Air France gặp nạn

Lo ngại an toàn hàng không quốc tế ảnh 1
Máy bay Iran hạ cánh trượt đường băng ngày 24/7

Công nghiệp hàng không toàn cầu khởi đầu năm 2009 tồi tệ. Trong sáu tháng đầu năm 2009, gần 600 người trên toàn thế giới thiệt mạng vì tai nạn máy bay, nhiều hơn con số của cả năm 2008 gộp lại.

Tại một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Phi và một phần châu Á, việc giám sát ngành hàng không còn hạn chế.

Các hãng hàng không Mỹ, châu Âu luôn đứng đầu về an toàn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, hiểm họa từ các chuyến bay bắt đầu thu hút sự quan tâm trở lại khi hãng hàng không Âu, Mỹ vật lộn vượt qua khủng hoảng kinh tế.

Các sự kiện hàng không thảm khốc nhất gần đây bao gồm cả vụ máy bay Airbus A330 của hàng không Pháp (Air France) rơi xuống vùng biển ngoài khơi Brazil ngày 1/6 khiến tất cả 228 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng.

Bất chấp những vụ tai nạn máy bay gần đây, giới chuyên gia vẫn cho rằng ngành hàng không đang an toàn hơn nhờ sự cải thiện về công nghệ máy bay; việc đào tạo, huấn luyện phi công cùng tiếp viên và sự nâng cấp về tiêu chuẩn an toàn trên toàn cầu.

Dù tai nạn liên tục xảy ra gần đây, máy bay thương mại vẫn là một trong những phương tiện giao thông có tỷ lệ an toàn cao nhất.

Giáo sư Arnold Barnett thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) tính toán rằng, tỷ lệ hành khách thiệt mạng khi đi máy bay cỡ lớn ở Mỹ vào khoảng một trên 20 triệu.

Với tỷ lệ trên, các chuyên gia khuyên hành khách chưa nên đưa ra kết luận chỉ vì hàng loạt vụ tai nạn xảy ra liên tục trong vài tháng qua.

Paul Hayes, Giám đốc Hãng Tư vấn An toàn Hàng không (Ascend) có trụ sở tại London (Anh), giải thích: “Bạn không thể phán xét một ngành công nghiệp dựa trên số lượng đột biến các thảm kịch trong thời gian ngắn”.

Theo số liệu của Ascend, năm 1950 khi có 31 triệu người đi máy bay, có tổng số 39 vụ tai nạn khiến 799 người thiệt mạng. Năm 2008 chỉ xảy ra 13 vụ tai nạn khiến 460 người chết, trong khi số hành khách đi máy bay tăng vọt lên 2,6 tỷ người trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, nửa đầu năm 2009, tai nạn máy bay tăng mạnh. Theo Tổ chức An toàn Bay (FSF) phi lợi nhuận, năm 2009 có 11 vụ tai nạn máy bay lớn (chưa tính vụ máy bay Iran hạ cánh trượt đường băng ngày 24/7). FSF cho biết, số vụ tai nạn máy bay trong năm năm gần đây cao hơn so với năm năm trước đó. 

Sự xuất hiện của thế hệ máy bay mới, chất lượng cao, đặc biệt là của hãng Boeing và Airbus, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an toàn hàng không.

Theo số liệu của Ascend, Boeing 777, phiên bản mới nhất của Boeing 737, chưa để xảy ra vụ tai nạn chết người nào kể từ khi đi vào hoạt động năm 1995. Airbus A340 hoạt động được khoảng 16 năm cũng đạt kỷ lục về an toàn sau 13 triệu giờ bay.

Sự giám sát của chính quyền các nước cũng cải thiện an toàn hàng không. Từ năm 2006, Liên minh Châu Âu (EU) hàng quý đều công bố danh sách đen các hãng không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn hàng không và bị cấm bay vào không phận EU. Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.

Tuy nhiên, đáng tiếc là sự cải thiện điều kiện an toàn không thể ngăn chặn tai nạn.

Ngày 30/6, chiếc Airbus A310 của hãng hàng không Yemen gặp nạn khiến 167 hành khách cùng phi hành đoàn tử nạn, chỉ duy nhất một người sống sót. Điều đáng nói là hầu hết các hãng hàng không đều không còn sử dụng máy bay Airbus A310 nữa.

Ngày 15/7, máy bay Tupolev TU-154 của hãng hàng không Caspian do Nga sản xuất lao xuống  miền nam Iran khiến 153 người chết. Gần đây nhất, ngày 24/7, phi cơ Iran trượt đường băng khi hạ cánh khiến 17 người chết.

T.Đ
Theo De Spiegel, USA Today

MỚI - NÓNG