Trung Quốc:

Lộ tài sản ở nước ngoài của người thân quan chức cấp cao

Một số tỉ phú Trung Quốc có tên trong báo cáo của ICIJ. Ảnh: South China Morning Post
Một số tỉ phú Trung Quốc có tên trong báo cáo của ICIJ. Ảnh: South China Morning Post
TP - Người thân một số quan chức cấp cao đương nhiệm hoặc nghỉ hưu của Trung Quốc và nhiều tỷ phú nằm trong số gần 22.000 người Hong Kong và Trung Quốc Đại lục có tài khoản tại các thiên đường trốn thuế bị Liên hiệp Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) tiết lộ.

Báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin ngày 22/1.

Theo thông tin từ 2,5 triệu tập tài liệu mà ICIJ có được, gần 22.000 tài khoản tại các thiên đường trốn thuế thuộc về người Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, và 16.000 chủ tài khoản ở Đài Loan. Người thân của ít nhất 5 quan chức cấp cao đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu của Trung Quốc có tài khoản ở ngoài nước.

“Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất của các thiên đường bảo mật, trốn thuế và hợp lý hóa các giao dịch quốc tế… Mọi ngóc ngách của nền kinh tế Trung Quốc, từ dầu khí tới năng lượng xanh, từ khai khoáng đến buôn bán vũ khí, đều xuất hiện trong dữ liệu của ICIJ”, báo cáo của ICIJ viết.

Theo báo cáo của ICIJ, người thân của ít nhất 5 người đó đang sở hữu công ty ở Cook Islands (một đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương) và Virgin Islands (lãnh thổ hải ngoại của Anh ở khu vực Ca-ri-bê.

Không phải tất cả tài khoản ở nước ngoài đều bất hợp pháp, nhưng báo cáo được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang tranh cãi về tài sản tích lũy của người thân của các quan chức cấp cao nước này.

Những bài báo trước đây của Bloomberg The New York Times tiết lộ tài sản của gia đình cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, khi số liệu của các công ty và hồ sơ chứng khoán khiến các giao dịch trở nên minh bạch hơn. Tiết lộ của ICIJ hôm 22/1 góp phần làm sáng tỏ hơn tài sản của những gia đình như vậy.

Theo ICIJ, ông Deng Jiahui, anh rể của một lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, cùng Wen Yunsong và Wen Ruchun, hai con của một cựu Thủ tướng Trung Quốc, đang sở hữu các tài khoản ở nước ngoài. Những cái tên chủ sở hữu nổi bật khác của các tài khoản ở Cook Islands hoặc Virgin Islands còn có người nhà của một số cựu quan chức cấp cao khác.

“Những gia đình liên quan đến chính trị nhiều nhất có tài khoản ở nước ngoài cho thấy họ lo lắng về sự an toàn và nhu cầu giấu tên tài sản của mình”, South China Morning Post trích lời ông Dali Yang, nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chicago (Mỹ).

Đầu tháng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc sửa đổi hướng dẫn đối với các cán bộ, trong đó cấm thăng chức cho những cán bộ có vợ/chồng và con đã di cư ra nước ngoài. Ít nhất 1,2 triệu quan chức nước này sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định mới này, theo ước tính của Giáo sư Zhu Lijia ở Học viện Quản trị Trung Quốc.

Làm giá để trốn thuế

Ngoài người thân của các chính trị gia, báo cáo của ICIJ còn đề cập những doanh nhân nổi tiếng nhất của Trung Quốc. Nữ tỉ phú giàu nhất Trung Quốc Dương Huệ Nghiên - cổ đông chính của công ty bất động sản Country Garden; người đàn ông giàu nhất Trung Quốc Pony Ma Huateng - người sáng lập tập đoàn internet Tencent; tỷ phú bất động sản Zhang Xin - người sáng lập tập đoàn bất động sản Soho China đều được cho là nắm giữ tài khoản ở ngoài nước.

Báo cáo cũng nêu tên các quan chức liên quan vụ điều tra tham nhũng đang diễn ra đối với ông Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc.

Theo ICIJ, nhiều công ty Trung Quốc đại lục bán sản phẩm với giá thấp cho chính chi nhánh của họ ở nước ngoài. Sau khi bán lại sản phẩm với giá cao hơn để tránh nộp thuế cho Trung Quốc, những chi nhánh này có thể hoàn lại lợi nhuận cho công ty mẹ hoặc giữ lại ở nước ngoài để tránh quy định chặt chẽ của Trung Quốc trong kiểm soát dòng tiền ra nước ngoài.

Báo cáo của ICIJ viết rằng, họ có chứng cớ xác thực rằng “nhiều công ty và cá nhân Trung Quốc đã sử dụng tài khoản ở nước ngoài để tham gia các hoạt động ngầm hoặc bất hợp pháp”, như trong trường hợp một số cựu quan chức (đã bị kết án tù vì tội tham nhũng) của Bộ Đường sắt nay đã giải thể và tập đoàn vận tải biển Cosco lớn nhất Trung Quốc.

Vẫn chưa rõ ai tiết lộ các tài liệu nêu trên mà ICIJ nói là từ hai công ty giúp mở tài khoản ở nước ngoài là Portcullis TrustNet (Singapore) và Commonwealth Trust Limited (Virgin Islands). Số công ty Trung Quốc thuê TrustNet thiết lập tài khoản tăng hơn ba lần, từ 1.500 năm 2003 lên 4.800 năm 2007, theo ICIJ.

Ngày 22/1 tại Trung Quốc, các website của ICIJ và nhiều cơ quan báo chí đăng nội dung báo cáo của ICIJ, bao gồm The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp) không truy cập được, báo Úc Sydney Morning Herald đưa tin.

Theo Theo South China Morning Post, The Guardian
MỚI - NÓNG