Lộ thêm nhiều thông tin về nhóm đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên

Trước cổng ĐSQ Triều Tiên ở Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
Trước cổng ĐSQ Triều Tiên ở Tây Ban Nha. (Ảnh: AP)
TPO - 10 người bị cáo buộc đã đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên ở Tây Ban Nha vào tháng trước là thành viên của một tổ chức bất đồng chính kiến bí ẩn, tự nhận là chính phủ lưu vong và muốn lật đổ chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.

Thủ lĩnh nhóm này là một nhà hoạt động từng học tại ĐH Yale (Mỹ), có thời phải ngồi tù ở Trung Quốc vì cố gắng cứu những người Triều Tiên đào tẩu sống trốn tránh, AP dẫn lời các nhà hoạt động và người đào tẩu cho biết.

Cho đến nay vụ đột nhập Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha đã xuất hiện thêm nhiều chi tiế mới sau khi một thẩm phán Tây Ban Nha công khai thông tin và cho biết cuộc điều tra nhằm làm rõ vụ việc xảy ra vào ngày 22/2 đã thu được bằng chứng cho thấy “một tổ chức tội phạm” đã trói và bịt miệng nhân viên của sứ quán rồi lấy các máy tính, ổ cứng và tài liệu đi. Một quan chức Mỹ nói rằng nhóm này có tên là Nhóm dân phòng Cheollima, một tổ chức ít người biết đến và gần đây kêu gọi đoàn kết quốc tế để chống lại chính quyền Triều Tiên.

Không có nhiều thông tin được biết đến về Nhóm dân phòng Cheollima. Từ “Cheollima” là tên của một chú ngựa có cánh trong truyện thần thoại mà chính phủ Triều Tiên thường sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền.

Trong một tuyên bố đăng trên trang web hôm nay, nhóm này thông báo “tạm dừng hoạt động” vì cái họ gọi là một “cuộc tấn công của nhiều bài báo suy đoán trên truyền thông”. Nhóm này nói rằng trong tổ chức của họ có những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên và đang sống khắp thế giới, nhưng không làm việc hay liên lạc với những người bỏ trốn “đang sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ” ở Hàn Quốc.

“Chúng tôi đề nghị báo chí bớt tò mò với sự thật về tổ chức và các thành viên của chúng tôi. Có những thứ to lớn hơn ở phía trước”, Cheollima thông báo. Nhóm này khẳng định họ là một tổ chức quốc tế đoàn kết lại bằng sự quyết tâm lật đổ chính quyền Triều Tiên hiện nay.

Tháng 3/2017, nhóm này nói rằng họ đã dàn xếp vụ chạy trốn của Kim Han Sol, con trai ông Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của ông Kim Jong Un, và là người bị cho là nạn nhân bị giết hại tại sân bay Kuala Lumpur vào đầu năm đó.

Một thanh niên tự nhận là Kim Han Sol xuất hiện trên YouTube vào thời điểm đó đã nói rằng anh ta và mẹ của mình đã an toàn.

“Tên tôi là Kim Han Sol từ Triều Tiên, thành viên gia đình Kim. Bố của tôi bị giết hại cách đây vài ngày”, người đàn ông nói bằng tiếng Anh trong đoạn clip dài khoảng 40 giây.

Gần đây, nhóm Cheollima tuyên bố trên trang web về việc thành lập “Joseon tự do” mà họ gọi là “một chính phủ lâm thời” sẽ chống lại Triều Tiên. Triều Tiên vẫn tự gọi họ là “Joson”, xuất phát từ tên “Joseon” – tên của triều đại đã cai trị bán đảo Triều Tiên trong hơn 500 năm.

Báo chí Hàn Quốc nói rằng chính nhóm Cheollima đã viết khẩu hiệu kêu gọi lật đổ ông Kim Jong Un trên tường Đại sứ quán Triều Tiên tại Malaysia.

Sau khi thẩm phán Tây Ban Nha công bố tài liệu về vụ việc xảy ra hôm 22/2, trang web của Cheollima nói rằng nhóm này đã xử lý một tình huống khẩn cấp tại đại sứ quán và được mời vào đó, và rằng “không ai bị bịt miệng hay bị đánh”. Nhóm này nói rằng “không có chính phủ nào liên quan hay biết về hoạt động của chúng tôi cho đến sau vụ việc này”.

Tài liệu của tòa án Tây Ban Nha nói rằng những người đột nhập đã thuyết phục nhà ngoại giao duy nhất trong Đại sứ quán Triều Tiên lúc đó là So Yun Sok bỏ trốn.

Trang web của Cheollima còn nói rằng nhóm này chia sẻ “một số thông tin vó giá trị tiềm năng to lớn” với Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) theo một thỏa thuận bí mật.

FBI nói rằng họ không xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của chương trình này.

Nếu Cheollima là nhóm đột nhập sứ quán, vụ việc cho thấy sự tham gia của những người đào tẩu Triều Tiên từng có kinh nghiệm làm việc trong cơ quan an ninh hoặc quân đội Triều Tiên, AP dẫn lời ông Nam Sung Wook, cựu chủ tịch Viện chiến lược an ninh quốc gia, một tổ chức tư vấn chính sách có quan hệ với cơ quan tình báo Hàn Quốc.

“Có nhiều người Triều Tiên trẻ xuống Hàn Quốc sau khi có hơn 10 năm kinh nghiệm trong quân đội. Mọi người sẽ ngạc nhiên trước khả năng của họ, và họ không phải lúc nào cũng bị chính phủ Hàn Quốc giám sát chặt chẽ”, ông Nam nói.

Tài liệu của tòa án Tây Ban Nha xác định thủ lĩnh nhóm Cheollima đã đột nhập vào đại sứ quán Triều Tiên là Adrian Hong Chang.

Nhân vật này có thể là Adrian Hong, người vào năm 2005 đã đồng sáng lập ra tổ chức Tự do ở Triều Tiên (LiNK), một nhóm hoạt động chuyên giải cứu những người Triều Tiên tị nạn, AP dẫn lời những người Triều Tiên đào tẩu chob iết.

Nhưng Hannah Song, giám đốc điều hành của LiNK, nói rằng Hong không có liên quan gì đến tổ chức này suốt hơn 10 năm qua. “Chúng tôi không có thông tin gì về các hoạt động gần đây của ông ấy”, Song nói.

Thẩm phán Tây Ban Nha Jose de la Mata mô tả Adrian Hong Chan là một người quốc tịch Mexico và sinh sống ở Mỹ. Theo tài liệu của Tây Ban Nha, người đàn ông này bay đến Mỹ vào ngày 23/2, liên lạc với FBI và đề nghị chia sẻ các tài liệu và video. Báo cáo của tòa án không nói rõ những thông tin đó là gì và FBI có chấp nhận đề xuất hay không.

Hong được biết đến là người đã giúp những người Triều Tiên bỏ trốn và xuống Hàn Quốc cũng như các nước khác để sống. LiNK nói rằng họ đã giúp hơn 1.000 người Triều Tiên tìm nơi ở mới an toàn. Những người đào tẩu Triều Tiên nói rằng Hong bị giam ở Trung Quốc trong một thời gian ngắn trong những năm 2000 vì công việc này.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG