Lối sống tối giản lan rộng ở Nhật

Lối sống tối giản lan rộng ở Nhật
TPO - Anh Fumio Sasaki sống trong căn hộ một phòng giữa Tokyo và nó ít đồ đạc đến độ bạn bè bảo nó giống như một phòng hỏi cung của cảnh sát. Tủ áo quần của anh chỉ gồm 3 áo sơ mi, 4 quần, 4 đôi tất và một vài món đồ dùng khác.

Sống tối giản nghĩa là sống nhiều hơn

Tiền bạc không phải là vấn đề với Fumio Sasaki, một biên tập viên 36 tuổi. Anh hoàn toàn chủ ý lựa chọn một lối sống mới đang có hàng nghìn người Nhật khác lựa chọn: chủ nghĩa tối giản.

Dưới ảnh hưởng của vẻ đẹp đơn giản trong Phật giáo thiền tông những người theo chủ nghĩa tối giản đi ngược hoàn toàn với trào lưu xã hội tiêu thụ hiện đại bằng việc giảm thiểu số lượng tài sản đồ dùng mà họ sở hữu.

Anh Fumio Sasaki vốn một thời rất đam mê sưu tầm sách, CD và DVD hai năm gần đây trở nên chán ngấy việc cố gắng chạy theo xu thế mới. Anh đã bán đi hoặc đem cho bạn bè các bộ sưu tập sách và CD của anh. “Trước đây tôi hay nghĩ về những thứ mình còn thiếu chưa có trong bộ sưu tập và mất nhiều thời gian cho thú chơi sách, đĩa. Nay tôi có nhiều thời gian giao lưu bạn bè và đi chơi, du lịch hơn. Cuộc sống của tôi trở nên rất tích cực”.

Tương tự anh Fumio Sasaki nhiều người Nhật khác cũng chọn lối sống chỉ sở hữu những gì mình thực sự thích thú, một triết lý sống được thực hành và khuyến cáo bởi nữ chuyên gia tư vấn Mari Kondo với phương pháp sống ngăn nắp “KonMari” của chị đang lan rộng và trở nên nổi tiếng ở Mỹ.

“Vấn đề không phải là tôi sở hữu ít hay nhiều đồ đạc mà là tôi trân trọng và thích thú với từng món đồ dùng tôi có.” chị Katsuya Toyoda biên tập viên ấn phẩm trực tuyến nói. Trong căn hộ 22 m2 của chị chỉ có một cái bàn và một  đi-văng. “Tôi theo chủ nghĩa tối giản và chỉ những đồ dùng tôi thực sự hứng thú mới hiện diện trong cuộc sống của tôi”.

Một trong số các tín đồ của chủ nghĩa tối giản ở nước Mỹ chính là Steve Jobs nổi tiếng.

Định nghĩa thế nào là chủ nghĩa tối giản có nhiều biến thể khác nhau. Mục đích của lối sống này là thông qua biện pháp loại bỏ các đồ dùng không cần thiết và đánh giá lại xem các đồ dùng có ý nghĩa như thế nào để người ta đạt được một điều gì khác có ý nghĩa hơn. Ví như trường hợp anh Sasaki là để “có nhiều thời gian hơn để du lịch và kết giao bạn bè”.

Ước lượng có đến hàng nghìn người là tín đồ của chủ nghĩa tối giản và số người quan tâm hứng thú đến lối sống này còn nhiều hơn nữa. Người ta tin rằng chính triết lý Phật giáo truyền thống ở Nhật đã tạo cảm hứng cho chủ nghĩa tối giản.

Naoki Numahata một nhà văn 41 tuổi nhận xét: “Ở phương Tây việc hoàn thiện một không gian sống đồng nghĩa với đặt vào món đồ vật gì đó. Nhưng trong trà đạo hay thiền tông không gian được chủ ý sắp đặt một cách không hoàn chỉnh để gợi mở trí tưởng tượng của con người, làm cho không gian đó trở nên hoàn chỉnh”.

Chủ nghĩa tối giản còn có một ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng ở Nhật, đất nước của những cơn địa chấn và động đất thường xuyên. Năm 2011 một cơn động đất cực mạnh 9 độ Richter kèm theo sóng thần đã giết chết gần 20 nghìn người và khiến người ta phải xem xét lại các đồ đạc trong phòng ở. “Thống kê cho thấy từ 30 đến 50 phần trăm thương tích sau động đất là do đồ vật rơi vào người. Còn như ở trong căn hộ của tôi, bạn thấy đấy, không còn lo lắng bị vật gì rơi vào nữa”, anh Sasaki nói và chỉ tay xung quang phòng.

Theo Theo Asahi
MỚI - NÓNG