Luân chuyển công chức trẻ để trị bệnh 'hành' dân

Luân chuyển công chức trẻ để trị bệnh 'hành' dân
TP - Trao đổi với Tiền phong, nhiều chuyên gia cao cấp của Nhật Bản cho rằng, chính sách luân chuyển cán bộ đang được áp dụng ở nước này là liều thuốc hiệu nghiệm điều trị nhiều chứng bệnh của bộ máy hành chính.
Luân chuyển công chức trẻ để trị bệnh 'hành' dân ảnh 1
Công chức của chính quyền thành phố Kushiro chu đáo khi phục vụ người dân  Ảnh: Tuấn Minh

Tại Nhật Bản, cán bộ, viên chức từ hàng chục năm nay đã rất vui vẻ với việc khoác ba lô lên vai, chia tay vợ con rời Tokyo và các trung tâm sầm uất để đến sống và làm việc tại những vùng đất khô cằn, những hòn đảo lạnh giá với thu nhập có khi chỉ bằng 70% so với trước khi luân chuyển...

Mặc dù mới vào làm việc tại Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng được 7 năm mà anh Toshihiko đã có 3 lần luân chuyển công tác. Khi mới tốt nghiệp đại học, anh được tuyển vào làm việc tại Bộ và luôn được đánh giá là một cán bộ tích cực, một nghiên cứu viên giàu triển vọng.

Tuy nhiên khoảng thời gian anh sống cùng vợ và cô con gái tại Tokyo chỉ kéo dài được hơn 3 năm rồi anh lại nhận quyết định luân chuyển công tác.

Liên tục như vậy cho đến nay khi đã là Giám đốc dự án về bảo vệ các dòng sông của tỉnh Hokaido, anh đã trải qua 3 lần luân chuyển. Cứ vài tháng, anh mới thu xếp được thời gian để về Tokyo thăm vợ con.

Anh Toshihiko cho biết, so với khi đang làm việc tại Văn phòng Bộ ở Tokyo, thu nhập hiện nay của anh chỉ bằng hơn 70%, vì những khoản như phụ cấp đắt đỏ đã bị cắt. Trong khi đó, anh lại phải sống xa gia đình hàng ngàn cây số. Anh thường phải làm việc ở nơi có mùa đông lạnh nhiệt độ xuống dưới âm 15oC.

“Với mỗi công chức Nhật Bản, nếu không vì những lý do đặc biệt như sức khỏe yếu thì không ai từ chối quyết định luân chuyển công tác của cấp trên. Trường hợp cố tình không thực hiện luân chuyển sẽ tác động xấu đến cơ cấu nhân sự toàn đơn vị và cán bộ đó xem như đã từ chối tất cả các cơ hội phát triển trong cơ quan nhà nước” - Anh Toshihiko tâm sự.

Thông thường mùa luân chuyển hàng năm bắt đầu vào tháng 4 và người được luân chuyển chỉ biết trước quyết định luân chuyển chừng bốn tuần. Anh Akisato - Trưởng phòng kế hoạch thành phố Kushiro - Hokaido cho biết, tại thành phố này, tất cả 2.200 viên chức địa phương đều phải thực hiện luân chuyển công việc, thường là luân chuyển trong các cơ quan thuộc thành phố theo chuyên môn của mình. Có trường hợp được đưa vào làm việc có thời hạn tại một số doanh nghiệp phục vụ công cộng như xử lý rác thải.

Đối với những kỹ sư chuyên ngành, kỹ sư xây dựng, những người làm việc trong các viện nghiên cứu, thời gian luân chuyển sẽ dài hơn, nhằm đảm bảo tính chuyên môn hoá và hiệu quả công việc.

Để đảm bảo cho các quyết định luân chuyển được mỗi công chức trẻ đón nhận vui vẻ và tự nguyện, người làm công tác tổ chức của thành phố Kushiro phải tìm hiểu rất cụ thể nhân thân, nhu cầu nguyện vọng của cá nhân công chức trước khi luân chuyển, ví dụ như tình trạng sức khỏe.

Phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, người đau ốm...sẽ không phải luân chuyển mà còn được hưởng chế độ cao hơn. Ngay cả đối với các vị trí quản lý, lãnh đạo của thành phố thì việc luân chuyển còn diễn ra thường xuyên hơn và thời hạn là 3 năm một lần.

Đối với cán bộ công chức cấp tỉnh hoặc công chức nhà nước (làm việc trong các cơ quan trung ương), thì buộc phải luân chuyển đi bất kỳ đâu. Có thể đang ở thành phố lớn luân chuyển đến vùng nông thôn xa xôi, các khu vực khó khăn.

Trong trường hợp đó, tùy theo vị trí và tính chất nghề nghiệp, công chức có thể được hưởng thêm một số khoản thu nhập như trợ cấp đi lại, bảo vệ sức khỏe, thuê nhà.

Hiện thành phố Kushiro đang có 2 cán bộ trung ương được biệt phái đến làm việc, một người từ Bộ Môi trường, một người từ Bộ Giao thông và cơ sở hạ tầng.

“Nếu chúng ta cứ ở mãi một nơi thì chúng ta chỉ có một cách nghĩ về công việc đó. Nếu luân chuyển đến nhiều nơi, nhiều vị trí khác nhau thì ở mỗi nơi mới chúng ta sẽ có những cách suy nghĩ khác nhau theo chiều hướng sáng tạo hơn. Và làm như vậy chuyên môn của mỗi công chức sẽ ngày càng sâu, rộng hơn” - Anh Akisato nói.

Cũng theo anh Akisato, bên cạnh các quy định chung, Nhật Bản cũng đặc biệt lưu tâm đến những vị trí dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Cụ thể như những công chức được thay mặt chính quyền ký hợp đồng với các Cty tư nhân để thực hiện các dự án của nhà nước thì thời hạn luân chuyển rút xuống chỉ còn chưa đầy 2 năm.

Từ năm 2006, nhằm ngăn chặn tình trạng công chức “hạ cánh” an toàn sau những phi vụ béo bở, Nhật Bản đã ban hành quy định cấm công chức không được về hưu trước tuổi rồi lại ra làm cho những doanh nghiệp “sân sau” mà khi đương chức vị này đã từng thay mặt chính quyền ký nhiều hợp đồng với doanh nghiệp đó.

Tuy nhiên, với những chức vụ cao cấp trong Chính phủ như Bộ trưởng trở lên thì không thuộc sự điều chỉnh của quy định luân chuyển này mà phụ thuộc vào quyết định của Thủ tướng.

Trao đổi với Tiền phong, nhiều chuyên gia cao cấp của Nhật Bản đều bày tỏ sự ủng hộ với chính sách luân chuyển cán bộ mà nhà nước đang áp dụng và coi đó như là liều thuốc hiệu nghiệm điều trị nhiều chứng bệnh của bộ máy hành chính, giúp công chức nâng cao kiến thức chuyên môn, trải nghiệm thực tế và thái độ phục vụ, ứng xử cũng nhuần nhuyễn hơn. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.