Lý do NATO muốn nước nhỏ và yếu như Montenegro

Ngoại trưởng Montenegro, ông Srdjan Damanovic (trái), và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tom Shannon (giữa), trong lễ công nhận Montenegro gia nhập NATO tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Paul J Richards
Ngoại trưởng Montenegro, ông Srdjan Damanovic (trái), và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Tom Shannon (giữa), trong lễ công nhận Montenegro gia nhập NATO tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Paul J Richards
TPO - Với một quốc gia nhỏ bé như Montenegro, đóng góp về quân sự cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không mang nhiều ý nghĩa. Nhưng việc quốc gia này trở thành thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu sẽ gửi đi tín hiệu rằng các quốc gia khác thời hậu Liên Xô cũng có thể về phe của phương Tây.

Trong NATO, Montenegro với đội quân gồm 2.080 người là nước có quân đội nhỏ thứ hai sau Luxemburg. Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các thành viên đều sẽ đóng góp 2% ngân sách cho quốc phòng, rất ít người ở Mỹ hay NATO lo ngại Montenegro sẽ khó đáp ứng mục tiêu này.

Năm nay cũng như những năm trước, Montenegro chi 50 triệu euro, tương đương 1,3% tổng sản phẩm quốc hội, cho quốc phòng. Đây là mức ngân sách quốc phòng nhỏ hơn bất kỳ quốc gia NATO nào khác.

Khi vấn đề Montenegro gia nhập NATO mới được thảo luận, một số nhà phân tích cho rằng điều này sẽ giúp NATO hoàn thành “sở hữu” toàn bộ đường bờ biển Adriatic, vì những nước giáp vùng biển này là Italia, Slovenia, Croatia và Albania đều đã là thành viên của NATO.

Nhưng ngay cả khi chỉ có Italia là thành viên của NATO thì vùng biển hẹp này cũng là cái bẫy chết người cho bất kỳ đội quân xâm lược nào.

Trong Thế chiến 2, quân đồng minh quyết định không tấn công vào vùng biển này mà viện trợ cho Yugoslavia. Hải quân Đức tránh xa biển Adriatic mãi đến khi chiến tranh kết thúc.

Montenegro không chỉ có tiềm lực quốc phòng nhỏ bé mà trong dân số chỉ hơn nửa triệu người của họ cũng có rất nhiều người vẫn muốn giữ quan hệ với Nga. Tư tưởng đoàn kết tất cả những người nói ngôn ngữ gốc Slaver vẫn rất phổ biến, cộng thêm việc Nga mở rộng các hoạt động kinh tế trong 10 năm qua.

Sau khi các hoạt động du lịch của Nga đến châu Âu sụt giảm sau vụ bán đảo Crimea năm 2014, người Nga vẫn chiếm khoảng 22% lượng du khách đến Montenegro. Gần 1/3 các công ty Montenegro và 40% bất động sản ở Montenegro do người Nga nắm giữ. Nga cũng chiếm 1/3 đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia này.

Chính mối quan hệ gần gũi giữa Montenegro với Nga và thực tế Moscow quyết liệt phản đối Montenegro gia nhập NATO khiến việc Montenegro quyết trở thành thành viên của liên minh quân sự ra đời vì mục đích cạnh tranh với Liên Xô này càng mang tính biểu tượng.

Từ năm 2015 Nga đã nhận ra rằng họ không thể làm gì để thay đổi việc Montenegro đến với NATO. Đó là bước đi tự nhiên đối với một quốc gia hội nhập với EU đến mức sử dụng euro làm đồng tiền quốc gia cho dù không phải thành viên chính thức của EU.

Đầu tư kinh tế của Nga vào Montenegro không giúp Moscow có được lợi thế chính trị trực tiếp nào đối với quốc gia này. Các lãnh đạo Montenegro biết ơn khi nhận được tiền, nhưng không cảm thấy mắc nợ.

Thủ tướng Montenegro, ông Duško Marković, nói trước Quốc hội nước này hồi tháng 4 vừa qua rằng việc trở thành thành viên NATO là sự bảo đảm cho an ninh, phát triển kinh tế và ổn định khu vực của Montenegro trong tương lai.

Người tiền nhiệm của ông là cựu Thủ tướng Milo Đukanović, người đang nắm quyền khi xảy ra vụ đảo chính thất bại và một kế hoạch nhằm ám sát ông, nói rằng việc tham gia vào NATO là quyết định quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này.

Theo Theo Guardian, Bloomberg
MỚI - NÓNG