Manila - Giấc mơ dang dở

Manila - Giấc mơ dang dở
TP - Ngân hàng Thế giới từng dự đoán Philippines hóa rồng vào những năm 1970, nhưng đến nay đất nước này vẫn tiếp tục vật lộn theo đuổi giấc mơ đó.
Manila - Giấc mơ dang dở ảnh 1
Một góc thành phố Manila, thủ đô của Philippines

Ghi nhận của phóng viên Tiền phong trong chuyến thực tế cùng đoàn nhà báo quốc tế tại thủ đô Manila, hình ảnh thu nhỏ của Philippines.

Giàu và nghèo

30 năm trước, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ký đạo luật chính thức khai sinh Metro Manila (Khu vực Thủ đô quốc gia). Ngày nay, Metro Manila gồm 4 quận nhưng có tới 17 thành phố với hơn 11 triệu dân sống chen chúc trong khu vực chỉ rộng hơn 600 km2 (bằng 2/3 diện tích Hà Nội).

Riêng việc thủ đô có tới 17 thành phố (TP) với Thị trưởng và bộ máy hành chính riêng đã phản ánh rõ tham vọng lớn lao của Philippines về việc biến Manila thành một Los Angeles ở châu Á.

Để đạt tham vọng này, những khoản tiền lớn được đầu tư xây dựng công sở, trường học, siêu thị, ngân hàng…Thủ đô được đô thị hóa một cách nhanh chóng để không còn những vùng nông thôn sống dựa vào nông nghiệp.

Không chỉ ở những khu vực được xem là thịnh vượng nhất như Quezon, Manila hay Makati, tại những TP nhỏ khác cũng tràn ngập hệ thống siêu thị, ngân hàng, trung tâm buôn bán mini, “chợ trời” như ở Việt Nam.

Quy hoạch theo kiểu của Mỹ trong điều kiện kinh tế của một nước đang phát triển dường như vượt quá khả năng của Philippines. Chính sách ôtô giá rẻ (ôtô cũ khoảng 2.000 USD, xe mới chỉ từ 10.000 – 20.000 USD) tạo ra “văn hóa ôtô” cùng với những khu buôn bán đông đúc, nhãn hiệu nước ngoài rực sáng trên đường phố…khiến có người mới đến Manila nhầm tưởng về sự giàu sang thịnh vượng.

Đại lộ Katipunan, ở TP Quezon đông dân nhất Metro Manila, được xem là khu nhà giàu, trong đó có tư dinh của Tổng thống đương nhiệm Gloria Arroyo cùng nhiều quan chức cấp cao, người nổi tiếng khác.

Tuy nhiên, đại lộ chạy dọc khu thượng lưu này đã bị chiếm dụng bởi đủ các loại phương tiện giao thông đậu kín vỉa hè, chờ khách và bán hàng ngay trên lòng đường.

Hai bên đường có không ít các khu nhà ổ chuột, hàng ăn nhếch nhác, người ăn xin, vô gia cư… ngay bên cạnh các ngân hàng, nhà hàng McDonald’s, KFC sang trọng và cũng chỉ có vài tòa nhà chọc trời. Tuyến đường nối liền TP Quezon và TP Manila hai bên đường còn tồi tàn hơn, thậm chí còn không ít đất bỏ không cỏ mọc um tùm.

TP Manila, thủ phủ hành chính của thủ đô Philippines, giúp người ta lấy lại cảm giác về một đô thị giàu sang, thịnh vượng, nhưng cũng chỉ được những vùng dọc đại lộ Roxas, bên vịnh Manila.

Đại lộ Recto, phố Evanlesgita và các con đường khác cách trụ sở của chính quyền TP Manila không xa trông nghèo nàn, bẩn và hỗn loạn. Các cửa hàng, người bán hàng rong bày đồ ăn, giải khát và nhiều thứ linh tinh khác trên lòng đường cùng với mùi, âm thanh đặc trưng của đường phố.

TP Manila cũng không có nhiều khu nhà chọc trời thể hiện sự hiện đại và phát triển. TP Makati - Trung tâm kinh tế của thủ đô Manila và từng được kỳ vọng là Phố Wall của Philippines thể hiện được điều này qua hàng loạt các khu nhà chọc trời. Tuy nhiên, không xa những công trình xây dựng biểu tượng của tiềm lực kinh tế là nhà ổ chuột được dựng ngay trên những con rạch thoát nước.

Già nua và quá tải

Nhiều nhà báo Philippines nhận định Manila dường như đã phát triển quá vội vã và nay đang già trước tuổi nếu không có những chính sách phát triển mới, năng động trong thời gian tới.

Người lao động Philippines thu nhập trên 86.000 peso/năm (26,7 triệu đồng) đã phải đóng thuế thu nhập cao.

Tuy nhiên, những người lái máy cẩu ở Cty xây dựng khu vực Loyola Heights thu nhập từ 20.000 – 25.000 (400 – 500 USD)/tháng cũng chỉ dám ăn trưa ở những quán cơm bình dân tồi tàn trên đại lộ Katipunan vì không chịu được giá cả ở những nhà hàng.

Mỗi TP ở Manila đều có ít nhất 3-4 siêu thị lớn với lối kiến trúc bê tông – kính kiểu Mỹ bị người dân chỉ trích là thiếu sức hấp dẫn du khách ngoại quốc.

Không chỉ siêu thị, hầu hết trụ sở cơ quan nhà nước ở các TP trông cũng cũ kỹ, lạc hậu. Vịnh Manila thơ mộng vốn nổi tiếng khắp thế giới trải dài dọc thủ đô nhưng không thu hút được khách du lịch không chỉ vì vấn đề an ninh mà còn bởi những lý do khác.

Sự già nua còn được thể hiện trong việc thiếu sự năng động linh hoạt khi phải tuân theo các quy tắc không phù hợp với nền kinh tế xã hội của Philippines. Các ngân hàng và cửa hàng chuyên dịch vụ đổi tiền ở những khu vực không buôn bán đều làm thông trưa và đóng cửa lúc 3 giờ chiều nên những người có nhu cầu thường gặp khó khăn.

Ngay ở khu vực được xem là sầm uất nhất của TP Manila quanh khách sạn 5 sao Diamond dù có khá nhiều điểm đổi tiền nhưng sẽ phải chờ rất lâu, thủ tục rườm rà nếu bạn muốn mua trên dưới 1.000 USD và cũng không có nhiều tiền mặt để phục vụ.

Các nhà báo địa phương giải thích, Philippines có lối làm việc theo các nước phát triển (thanh toán bằng séc thay cho tiền mặt). Tuy nhiên, khi PV Tiền phong có mặt tại “chợ trời” ở những TP cách xa trung tâm như Pasig, Pasay, Paranaque…việc đổi tiền lại diễn ra rất dễ dàng bởi các điểm đổi tiền hợp pháp và bất hợp pháp mọc lên san sát để phục vụ nhu cầu hàng ngày của đông đảo người dân.

Thực tế này cho thấy, chính quyền đã đề ra những quy định nghiêm khắc nhưng không thể kiểm soát được do bị quá tải.

Khách sạn, các phương tiện giao thông, hàng rong phải hoạt động trong khuôn khổ những quy định nghiêm khắc, nhưng ra ngoài trung tâm thủ đô, mọi việc đều khác.

Khách sạn ở các TP xa trung tâm do vắng khách du lịch  trở thành điểm hẹn hò lý tưởng cho các cặp tình nhân và ở đây luôn “hét” giá trên trời như quảng cáo trên các trang web du lịch, nhưng bạn có thể thoải mái mặc cả. Taxi thường tắt đồng hồ tính tiền và “quát” giá vô tội vạ với người lạ… Các phương tiện giao thông, hàng rong tràn ra cả lòng đường ở mọi TP trong thủ đô, nhưng hiếm khi thấy cảnh sát giao thông hay chính quyền địa phương can thiệp.

(Còn nữa)

Kỳ II: Những ông vua đường phố

MỚI - NÓNG