Máu lại đổ ở Bangkok

Máu lại đổ ở Bangkok
TP- Căng thẳng tiếp tục gia tăng ở Bangkok (Thái Lan) bởi các vụ nổ nhằm vào người biểu tình xảy ra sáng 30/11 và việc lực lượng ủng hộ chính phủ bắt đầu phản công.
Máu lại đổ ở Bangkok ảnh 1
Người biểu tình bị thương trong vụ tấn công sáng 30/11

Theo báo chí địa phương, một quả lựu đạn phát nổ trong khuôn viên Phủ Thủ tướng - nơi người biểu tình thuộc Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) chiếm giữ từ tháng 8/2008 - vào lúc nửa đêm khiến ít nhất 49 người bị thương, trong đó có 5 trường hợp nguy kịch.

20 phút sau, hai tiếng nổ phát ra từ trụ sở đài truyền hình chống chính phủ ASTV, nhưng không có thương vong. Các nhân chứng còn nghe cả tiếng súng nổ trong vòng 10 phút. Hơn 3 tiếng sau, bom nổ ở gần lối vào sân bay Don Mueang khiến 2 người bị thương. Ngay trước đó, người ta còn nghe tiếng súng nổ bên trong khu vực sân bay.

Chưa rõ thủ phạm của các vụ tấn công này. Đây không phải là lần đầu tiên, người biểu tình bị tấn công, nhưng họ vẫn quyết không rời vị trí cho tới khi Chính phủ của Thủ tướng Somchai Wongsawat từ chức. Chính phủ của ông Somchai luôn bác bỏ yêu sách trên.

Chiều 30/11, lực lượng cảnh sát Thái Lan lại ra tuyên bố yêu cầu người biểu tình chống chính phủ rời khỏi 2 sân bay ngay lập tức, cấm tụ tập quá 5 người mỗi nhóm và cảnh báo nếu không tuân thủ sẽ bị bỏ tù hoặc bị phạt tiền.

Một ngày trước đó, quan chức cảnh sát Thái Lan tuyên bố sau 3 lần cảnh báo, họ sẽ sử dụng lực lượng nếu người biểu tình vẫn không chịu rời sân bay. Giới phân tích lo ngại sắp xảy ra đụng độ dẫn tới đổ máu giữa lực lượng cảnh sát vốn trung thành với chính phủ và người biểu tình. 

Máu lại đổ ở Bangkok ảnh 2
 Ảnh: The Nation

Phe ủng hộ chính phủ phản công

Chiều 30/11, Liên minh Dân chủ chống độc tài (DADD) ủng hộ chính phủ bắt đầu huy động hàng ngàn người mặc áo đỏ tụ tập trước toà thị chính Bangkok. Lãnh đạo DADD Veera Musikhapong đưa ra tuyên bố cứng rắn trên báo chí địa phương rằng sẽ không rời khỏi toà thị chính cho tới khi người biểu tình rút khỏi hai sân bay.

DADD dự định tập trung lực lượng ở nơi khác, nhưng cuối cùng quyết định tới quảng trường phía trước toà thị chính, nơi sẽ diễn ra các hoạt động mừng ngày sinh của Quốc vương, nhằm gây sức ép lên phe chống chính phủ.

Lãnh đạo DADD còn tuyên bố sẽ huy động lực lượng tới bao vây Toà án Hiến pháp ở gần đó để bày tỏ sự phản đối trước khả năng các quan toà sẽ ra phán quyết yêu cầu giải tán 3 đảng phái nằm trong chính phủ liên minh...

Dù ông Veera cam kết sẽ biểu dương lực lượng trong hoà bình, nhưng dư luận lo ngại sẽ xảy ra đụng độ giữa phe ủng hộ và phe chống chính phủ. Chính quyền Bangkok ngay lập tức ra quyết định đóng cửa 11 trường học ở quận Pranakorn gần khu vực lực lượng ủng hộ chính phủ tụ tập.

Máu lại đổ ở Bangkok ảnh 3
Cảnh sát sẵn sàng giải tán người biểu tình Ảnh: Reuters

Nhiều nước bày tỏ quan ngại

Theo Reuters, Ngoại trưởng Úc ngày 30/11 bày tỏ thất vọng trước việc sân bay quốc tế ở Bangkok bị tê liệt và cho biết chính phủ nước này đang gây sức ép để chính quyền Thái Lan nỗ lực hơn nữa trong việc “giải cứu” du khách bị kẹt lại.

Thủ tướng Úc Stephen Smith nói hàng trăm công dân nước này vẫn bị kẹt ở Thái Lan và hãng hàng không quốc gia Qantas đã bố trí thêm nhiều chuyến bay để đưa du khách về nước. Qantas cho biết sẽ mở đường bay từ Phuket tới Singapore từ ngày 1/12 để đưa người Úc rời khỏi Thái Lan.

Nhiều hãng hàng không nước ngoài khác cũng có động thái tương tự. Những chuyến bay đầu tiên đưa du khách Trung Quốc từ Thái Lan đã về tới Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu vào sáng 30/1. Tân Hoa xã ước tính có 3.500 du khách Trung Quốc bị kẹt lại ở Thái Lan.

Cũng theo Reuters, Đại sứ quán Mỹ tại Bangkok cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Thái Lan “bồi thường thích đáng” cho các công dân bị kẹt lại do sân bay Suvarnabhumi và Don Mueang đóng cửa.

Đại sứ quán Mỹ cũng cho biết có số lượng lớn người Mỹ chưa thể rời Thái Lan và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với Chính phủ Thái Lan. Các Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) cũng ra tuyên bố bày tỏ mối quan ngại.

“Trong khi tôn trọng quyền biểu tình phản đối và không can thiệp vào công việc nội bộ ở Thái Lan, EU cho rằng những hành động này là hoàn toàn không thích hợp. Chúng đang làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Thái Lan trên trường quốc tế”, tuyên bố của EU nêu rõ.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.