Mổ xẻ những manh mối chính sách của ông Trump

Vợ chồng Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP
Vợ chồng Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh: AP
TP - “Chúng tôi nghiêm túc về những điều chúng tôi đã nói và sẽ linh hoạt về cách làm”, một nguồn tin thân cận với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói với cây viết tạp chí Nhật Bản The Diplomat hôm 9/11 để trả lời câu hỏi về chính sách với châu Á sau khi ông Trump giành chiến thắng lịch sử trước bà Hillary Clinton.

Trong bài viết vừa đăng trên The Diplomat, tác giả Prashanth Parameswaran, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc ĐH Tufts (Mỹ), đưa ra một số khả năng ông Trump có thể làm với khu vực sau khi chính thức lên nắm quyền vào tháng 1/2017.

Chính sách đối ngoại “Mỹ trước tiên”

Suy nghĩ thông thường là quan điểm chính sách đối ngoại của ông Trump, nếu được thực thi, sẽ khác đáng kể chính sách đối ngoại của Mỹ từ sau Thế chiến 2 đến nay. Nhưng khác đến mức độ nào thì chưa rõ ràng.

Dựa trên những điều tỷ phú Trump từng nói, tầm nhìn của ông ấy có thể được tóm tắt bằng một cụm từ “Mỹ là trước tiên”. Trong bài phát biểu tại một trung tâm nghiên cứu tại Washington D.C hồi tháng 4 năm nay, ông Trump cho rằng, chính sách đối ngoại của Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh là lãng phí, không có phương hướng, không đáng tin cậy và không hiệu quả. Thay vào đó, ông nói sẽ tập trung hẹp hơn vào việc xây dựng lại nền kinh tế và quân đội Mỹ, kiềm chế sự lây lan của Hồi giáo cực đoan và nói về cái mà ông gọi là “chính sách đối ngoại hợp lý mới của Mỹ”, điều mà người ta có thể suy ra là một phiên bản của chủ nghĩa thực tế.

Ông Walid Phares, một cố vấn chính sách đối ngoại trong đội tranh cử của Donald Trump, nói rằng, hai mối quan tâm chính của ông Trump là chủ nghĩa khủng bố và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hai mối quan tâm đó sẽ đứng đầu trong bất kỳ danh sách vấn đề ưu tiên của tổng thống đắc cử.

Với việc sẵn sàng làm việc với Nga và Trung Quốc, ông Trump nhiều lần nhắc lại rằng, điều đó không phải vấn đề hệ tư tưởng, mà đơn giản chỉ vì ông coi thách thức từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nghiêm trọng hơn và cấp bách hơn, nên có thể ông sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ các đối thủ. Ông Phares từng viết về điều này trong một bài đăng trên trang Fox News hồi tháng 4 năm nay. “Ông Trump rõ ràng mong muốn giảm căng thẳng với Nga và Trung Quốc nhằm tập trung vào việc bao vây kẻ thù chung - chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan”, ông Phares viết.

Thêm một bằng chứng cho chủ nghĩa thực dụng của Donald Trump, ông Phares cũng viết rằng, ông Trump sẽ không ngần ngại dùng “đòn bẩy kinh tế” (trong trường hợp này mang ý nghĩa trừng phạt) để gây áp lực lên Trung Quốc để Bắc Kinh phải kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Với châu Á

Mới nhìn qua, những phát biểu đáng giật tít trên báo chí của Donald Trump có vẻ là tín hiệu cho thấy ông sẽ để Mỹ rút khỏi 4 trụ cột của chính sách tái cân bằng sang châu Á của Tổng thống Barack Obama, gồm: xây dựng các quan hệ đồng minh và đối tác; đẩy mạnh các thể chế khu vực; làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế; và thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nhưng nếu xem kỹ hơn, có thể thấy chính sách của ông Trump sẽ không quá đường đột.

Về các quan hệ đồng minh và đối tác, ông Trump đã gửi tín hiệu về một cách tiếp cận hẹp hơn, mang tính giao dịch hơn đối với những quan hệ này, dựa trên nguyên tắc chia sẻ gánh nặng nhiều hơn.

Ông Obama cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ gánh nặng trong chính sách tái cân bằng sang châu Á. Nhưng cách làm của ông là không chỉ tăng sức mạnh cho các đồng minh mà còn tạo ra những đối tác toàn diện và chiến lược mới để khuyến khích sự tham gia của các cường quốc nhằm giải quyết nhiều thách thức khu vực và toàn cầu. Nếu Donald Trump làm theo điều ông đã nói, tân tổng thống Mỹ sẽ đánh giá lại các đồng minh hiệp ước chủ chốt của Mỹ, và khi có thể, ông sẽ yêu cầu họ phải làm nhiều hơn.

Trong bài phát biểu hồi tháng 4, Donald Trump cụ thể hơn một chút khi nói rằng, ông sẽ tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với NATO và các đồng minh châu Á để thảo luận về việc tái cân bằng các cam kết tài chính cũng như đưa ra những chiến lược mới để giải quyết các thách thức chung. Vẫn chưa rõ những đồng minh cụ thể nào sẽ chịu ảnh hưởng của cách tiếp cận này. Về lời lẽ, ông Trump mới đề cập đến Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi quân đội Mỹ tập trung nhiều nhất ở châu Á. Tuy nhiên, các cố vấn cấp cao của Donald Trump, trong đó có ông Michael Flynn, người từng đến Nhật Bản, nhiều lần gạt bỏ khả năng Mỹ rút quân khỏi Nhật Bản và để Tokyo phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Flynn khẳng định, Donald Trump sẽ không chỉ tiếp tục cam kết liên minh mà còn đẩy mạnh nó để giải quyết những mối đe dọa chung, như chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Với các đồng minh Đông Nam Á của Mỹ thì khó đoán hơn. Một mối quan hệ đáng chú ý ở khu vực này là liên minh Mỹ - Philippines. Ông Trump được dự đoán là vin vào việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lạnh nhạt với Mỹ và cải thiện quan hệ với Trung Quốc để chứng tỏ chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama là thất bại, nhưng điều này chưa chắc chắn.

Với Trung Quốc, các cố vấn của Donald Trump cho rằng, ông có khả năng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách của những người tiền nhiệm, là vừa hợp tác vừa cân bằng. Trong bài đăng trên tạp chí Mỹ Foreign Policy hôm 7/11, hai cố vấn của Donald Trump là Alexander Gray và Peter Navarro vạch ra chính sách châu Á của ông Trump sẽ là vì lợi ích của Mỹ nhiều hơn, từ khía cạnh kinh tế và quân sự mạnh hơn, để đối phó những bước đi quyết liệt của Trung Quốc ở khu vực. Bài viết này cũng cho rằng, chính quyền Obama đã thất bại trong việc đối phó Trung Quốc ở biển Đông cũng như với hai đồng minh Đông Nam Á của Mỹ là Thái Lan và Philippines. Bài viết này được đánh giá là mang quan điểm diều hâu hơn những điều mọi người thấy trong chính sách Mỹ - Trung gần đây.

Đối với các thể chế khu vực và chủ nghĩa đa phương, có rất ít dấu hiệu để suy ra quan điểm của ông Trump. Nhiều người có thể cho rằng Donald Trump không hào hứng với những đồng minh hưởng lợi mà không phải mất chi phí gì, nên ông sẽ không chú ý đến ASEAN. Nhưng rất khó để Donald Trump vắng mặt khỏi các thiết chế đa phương, đặc biệt nếu ông nhận ra, với sự giúp đỡ của các cố vấn, rằng một số thiết chế như vậy thực sự giúp ông thực hiện các mục tiêu của mình, như đối phó chủ nghĩa khủng bố.

Đối với các vấn đề kinh tế, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những gì Donald Trump nói không nhất thiết cho thấy ông phản đối tất cả các thỏa thuận thương mại. Ông và cố vấn đã nói sẽ cởi mở với các thỏa thuận thương mại nếu chúng tốt hơn cho Mỹ. Ông Flynn, cố vấn của Donald Trump, từng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhật Bản Nikkei Asian Review rằng, dù Donald Trump không tin vào tự do thương mại nhưng ông nghĩ các thỏa thuận song phương tốt hơn thỏa thuận đa phương vì “chúng tôi có cơ hội đạt được thỏa thuận tốt hơn”.

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Mỹ

Hôm qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, nhân dịp ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ, ngày 9/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng. Bức điện có đoạn viết: “Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hoa Kỳ và mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc mối quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, ổn định, bền vững, lâu dài, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo, quốc phòng, an ninh, cũng như tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và quốc tế”.

Thủ tướng Nhật hẹn gặp ông Trump tuần sau

Một ngày sau khi ông Donald Trump thắng cử, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút và hẹn gặp tổng thống đắc cử Mỹ vào ngày 17/11 tại New York, trước khi ông Abe đến Peru dự hội nghị cấp cao APEC. Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng, hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương tạo nên sức mạnh của Mỹ. Ông Trump đồng ý sẽ thay đổi lịch để gặp Thủ tướng Nhật, báo Japan Times đưa tin hôm qua. Cùng ngày, Hạ viện Nhật Bản thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Theo The Diplomat
MỚI - NÓNG