Mong manh

Mong manh
TP - Không ít nhà phân tích dự đoán chính quyền Gaddafi có thể bị tan rã nếu các quan chức cấp cao trong chính phủ từ chức và trốn ra nước ngoài.

>> Mỹ chấm dứt nhiệm vụ không kích tại Libya từ 2-4

Việc Ngoại trưởng Moussa Koussa, nhân vật có thế lực trong giới cầm quyền ở Libya, từ chức và “đào tẩu” sang Anh ngày 30-3 vừa qua dường như báo hiệu sự chia rẽ trong giới cầm quyền Gaddafi. Trong nhiều năm, ông Koussa là Giám đốc cơ quan an ninh đối ngoại, trên thực tế là trùm tình báo Libya.

Việc ông “đào ngũ” có thể dẫn tới nguy cơ những thông tin quan trọng về hoạt động cũng như các điểm yếu của chính quyền Gaddafi bị tiết lộ, qua đó phương Tây có thể lợi dụng để hạ bệ nhà lãnh đạo Libya.

Dường như mối đe dọa lớn nhất đối với ông Gaddafi hiện nay không phải là việc quân nổi dậy sẽ chiếm được thủ đô Tripoli mà có lẽ là sự ủng hộ mong manh còn lại đối với chính quyền của ông. Đó chính là nguyên nhân khiến cho việc đào ngũ của Ngoại trưởng Koussa trở thành cú đòn mạnh đối với nhà lãnh đạo Libya.

Quyền lực của ông Gaddafi chủ yếu dựa vào những thành viên gia đình và bộ tộc Gadhadhfa của ông, nhưng bộ tộc này thật nhỏ bé so với khoảng 140 bộ tộc ở đất nước Bắc Phi có 6 triệu dân này. Bởi vậy, ông rất cần sự ủng hộ của những bộ tộc khác. Và vì thế, để củng cố quyền lực và ngăn chặn sự tan rã bên trong nội bộ, nhà lãnh đạo Gaddafi đã phải ra lệnh cấm xuất cảnh đối với những nhân vật then chốt trong chính quyền để hạn chế họ “nối gót” ông Koussa.

Trong khi đó, với việc trao quyền chỉ huy chiến dịch quân sự cho NATO, Mỹ dường như sẽ trở thành “ngư ông đắc lợi” cho dù chiến dịch quân sự này thành công hay thất bại. Vai trò của Mỹ trong cuộc chiến có thể sẽ giống như trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tức là Mỹ đóng vai trò “quyết định” kết thúc cuộc chiến và chia chiến lợi phẩm.

Ngoài ra, với nước cờ trên, Mỹ cũng sẽ “dễ ăn dễ nói” hơn với các nước đồng minh khác trong khu vực, đặc biệt là những nước như Barain và Yemen, nơi Washington có nhiều lợi ích chiến lược.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG