Montenegro gia nhập NATO

Montenegro mất gì khi quay lưng lại với Nga?

Ảnh: NATO
Ảnh: NATO
TPO - Ngày 5/6, Montenegro đã chính thức gia nhập và trở thành thành viên thứ 29 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái này không chỉ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng trong nước, mà dự báo nước này sẽ phải đối mặt với sự trả đũa mạnh mẽ từ Nga.

Phát biểu tại buổi lễ ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic nhấn mạnh: "Đây là một sự kiện lịch sử cho một đất nước đã nếm trải nhiều hy sinh, mất mát trong thế kỷ 19 và 20 để bảo vệ quyền được có một cuộc sống tự do, quyền tự quyết định tương lai, được thế giới công nhận bằng chính cái tên của chúng tôi và các biểu tượng quốc gia của chúng tôi... Sẽ không bao giờ có chuyện một ai khác quyết định cho chúng tôi như trong quá khứ nữa". 

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng khẳng định liên minh này sẽ được hưởng lợi từ sự hiểu biết của Montenegro với các nước Balkan và việc Montenegro gia nhập NATO sẽ giúp ích cho sự ổn định của khu vực này cũng như hòa bình và an ninh thế giới.

Là một quốc gia chỉ có hơn 620.000 dân nhưng Montenegro nằm ở vị trí địa chiến lược tại khu vực Balkan và có thể giúp khối NATO mở rộng biên giới tại vùng bờ biển Adriatic. Với việc kết nạp Montenegro, NATO sẽ hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối quân sự này. Đây là những lý do khiến quốc gia từng thuộc Nam Tư (cũ) này là một trong những mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và NATO suốt thời gian qua. 

Chính vì vậy, quyết định gia nhập NATO của Montenegro chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nga, vì nước này cho rằng việc NATO mở rộng "biên giới" tiến sát nước Nga là nhằm lôi kéo, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, đe dọa an ninh của Nga. 

Ngày 5/6, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng Montenegro phải chịu "trách nhiệm hoàn toàn" với việc tham gia các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu nhằm vào Nga có hiệu lực từ năm 2014, sau khi quốc gia nhỏ bé vùng Balkan chính thức trở thành thành viên thứ 29 của NATO.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Với con đường thù địch mà nhà chức trách Montenegro đã lựa chọn, phía Nga có quyền thực hiện các biện pháp đáp trả  tương xứng". Bộ cực lực chỉ trích thái độ "bài Nga" của Montenegro. 

Trong hơn một thập kỷ sau khi Montenegro tách khỏi Serbia vào năm 2006, mối quan hệ giữa Nga và quốc gia này rất chặt chẽ và luôn được củng cố, không chỉ bằng mối quan hệ thương mại, ngoại giao, mà còn là các mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và ngôn ngữ.

Theo đánh giá của giới phân tích, Montenegro luôn là điểm đến lý của người Nga, với hàng triệu USD người dân Nga đầu tư vào mua đất gần các thị trấn ven biển. Vì vậy, với việc quốc gia này lựa chọn NATO, Montenegro sẽ phải đối mặt với nhiều thiệt hại về thương mại và dịch vụ.

Ngoài ra, một hậu quả nghiêm trọng hơn nữa khi Montenegro trở thành thành viên của NATO đó là tạo ra một tâm lí chia rẽ trong nội bộ người dân quốc gia này. Hiện nhiều người dân Montenegro vẫn coi Nga là một người bạn truyền thống- quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao. Họ cũng đang được hưởng lợi trong các mối quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại với Nga.

Kể từ cuộc bầu cử vào tháng 10/2016 tại Montenegro, quốc gia này đã lâm vào những chia rẽ chính trị trong đó tất cả các đảng đối lập tẩy chay Quốc hội.

Việc Montenegro gia nhập NATO không chỉ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng trong nước, tạo sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội, mà còn vấp phải sự trả đũa mạnh mẽ từ Nga.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.