Một cựu điệp viên Xô viết thắng kiện Chính phủ Anh

Một cựu điệp viên Xô viết thắng kiện Chính phủ Anh
TPCN - Cựu điệp viên Xô viết George Blake, người mở đầu sự nghiệp trong hàng ngũ tình báo Anh nhưng về sau chuyển sang hàng ngũ tình báo Xô viết, vừa thắng kiện Chính phủ Anh tại Tòa án châu Âu về quyền con người có trụ sở tại Strasburg nước Đức.
Một cựu điệp viên Xô viết thắng kiện Chính phủ Anh ảnh 1
George Blake

George Blake kiện nhà cầm quyền Anh về tội đã cấm ông nhận khoản tiền nhuận bút mà lẽ ra ông phải được hưởng khi viết cuốn hồi ký có nhan đề  “Không có sự lựa chọn khác” (“No other way”) xuất bản tại Anh năm 1990.

Trong cuốn hồi ký này Blake kể về những năm tháng ông làm việc tại cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI-6.

Tòa án châu Âu về quyền con người phán quyết rằng nhà cầm quyền Anh đã tỏ ra quá quan liêu trong việc giải quyết đơn kiện của George Blake khiến việc xét xử kéo dài từ năm 1961, tức là cho tới nay đã 45 năm. Việc xét xử như vậy đã vi phạm quyền công dân của Blake.

Vì vậy, Tòa án quyết định nhà cầm quyền Anh phải trả cho Blake 5.000 euro tiền bồi thường thiệt hại tinh thần và 2.000 euro tiền án phí, tổng cộng 7.000 euro.

George Blake là ai?

George Blake sinh năm 1922 tại thành phố Hà Lan, Rotterdam. Bố ông là người Do Thái, mẹ ông là người Hà Lan. Trong những năm Thế chiến thứ hai, ông là lính thủy rồi sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Anh.

Ông cũng đã từng tham gia phong trào Kháng chiến chống phát xít Đức tại Hà Lan. Năm 1943, ông bí mật từ châu Âu chạy sang Anh và trở thành nhân viên của cơ quan tình báo Anh MI-6.

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ông làm việc ở Hamburg, chuyên theo dõi những khu vực do Liên Xô kiểm soát. Năm 1948, ông hoạt động ở Seoul và đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).

Chính những cảnh tàn phá khủng khiếp do bom đạn Mỹ gây ra tại đây đã khiến ông quyết định làm việc cho Liên Xô và về sau trở thành người cộng sản.

Sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ông trở về London tiếp tục làm việc cho MI-6, chuyên phụ trách mạng lưới điệp viên của Anh trên lãnh thổ CHDC Đức nhưng vẫn tiếp tục cộng tác với KGB.

Vào những năm 50 đó, ông đã cung cấp nhiều tin tức tình báo hết sức giá trị cho phía Xô viết. Chẳng hạn, tin tức về hàng chục điệp viên Anh hoạt động tại các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Cũng nhờ có Blake mà KGB đã phá tan được một trong những chiến dịch tuyệt mật của thời kỳ “chiến tranh lạnh” – đó là chiến dịch có mật danh “Gold” do cơ quan tình báo Anh SIS (“Secret Intelligence Service”) tiến hành nhằm chống phá Liên Xô.

Năm 1961, George Blake bị một điệp viên Ba Lan phản bội tố giác. Ông bị triệu về London và bị bắt giữ. Ngay năm đó ông bị xử kín và phải nhận án 42 năm ngồi tù tại nhà tù nổi tiếng hà khắc “Wormwood Scrubs” ở London.

Nhưng chỉ 5 năm sau, KGB đã giúp ông thực hiện một cuộc vượt ngục kỳ diệu khỏi “Wormwood Scrubs”. Tiếp đó, ông đến Đức an toàn.

Tại biên giới giữa Tây Đức và Đông Đức, ông được Sergei Kondrashov, một trong những nhân vật chỉ huy mạng lưới điệp viên Xô viết nằm vùng ở Đức hồi đó đón tiếp. Hiện nay Kondrashov là Trung tướng tình báo Nga. Sau đó ông được đưa về Moskva.

Nhà nước Xô viết đánh giá cao công lao của Blake. Ông được cấp một căn hộ sang trọng ở trung tâm Moskva và một ngôi nhà nghỉ nhỏ ở ngoại thành.

Ông còn được phong quân hàm Đại tá tình báo, được tặng thưởng huân chương Lenin và huân chương Cờ Đỏ. Công việc của ông ở Moskva là nghiên cứu tình hình khu vực Trung Đông và Cận Đông. 

Cuốn hồi ký gây chấn động nước Anh

Năm 1990 Blake cho xuất bản tại Anh cuốn hồi ký “No other way” kể về những năm tháng ông hoạt động tại MI-6. Thực ra, đã định cho xuất bản cuốn hồi ký tương tự ngay từ năm 1970 nhưng ông đã phải hoãn lại.

Rất có thể là do thực tế Xô viết không toàn màu hồng như ông vẫn hình dung khi chưa trực tiếp tiếp xúc nên ông chưa muốn cho xuất bản. Và cũng rất có thể những biến cố tiếp theo trên thế giới, đặc biệt là việc Liên Xô sụp đổ, đã khiến ông phải xét lại đôi điều.

Bởi vậy, trong cuốn “No other way”, ông không kể nhiều về những bí mật quốc gia của nước Anh mà dành khá nhiều trang cho việc miêu tả những trăn trở nội tâm của một điệp viên trí thức Anh vốn thiên về lý tưởng và khao khát công bằng xã hội theo kiểu Thiên Chúa giáo cũng như khao khát tất cả những gì ông hiểu về chủ nghĩa cộng sản.

Ngay sau khi ra mắt bạn đọc ở Anh, cuốn “No other way” đã lập tức trở thành bestseller (lượng in 19 nghìn bản bán hết chỉ trong một thời gian rất ngắn). Nhưng đồng thời, cuốn hồi ký cũng vấp phải phản ứng gay gắt của nhà cầm quyền Anh.

Chính phủ Anh lập tức thi hành mọi biện pháp để ngăn cản Blake được hưởng nhuận bút cuốn sách (khoảng 90 nghìn bảng Anh). Theo ý kiến của nhà cầm quyền Anh, đó là số tiền “vô đạo đức” bởi vì tác giả đã kiếm được “nhờ vào việc phản bội Tổ quốc”.

Quá trình kiện tụng kéo dài gần 9 năm trời cho tới khi Thượng viện Anh rốt cuộc ra quyết định không cho Blake được hưởng nhuận bút cuốn hồi ký nói trên. Nhưng Blake không chịu thua. Ông gửi đơn kiện chính phủ Anh tới Tòa án châu Âu về quyền con người và đã thắng kiện.

Tại sao cuốn “No other way” lại khiến nhà cầm quyền Anh phản ứng dữ dội như vậy? Chắc chắn không phải vì nội dung cuốn sách bởi vì như đã nói ở trên, cuốn sách không kể nhiều về những bí mật quốc gia của nước Anh.

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chính khiến nhà cầm quyền Anh phản ứng gay gắt bắt nguồn từ hoạt động trước kia của Blake. Tuy nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng hoạt động của Blake đã giáng cho các cơ quan an ninh Anh hồi đó một đòn nặng tới mức cho tới nay họ vẫn chưa thể tha thứ cho ông. 

Vững tin ở lý tưởng

Tuy những diễn biến trong vài chục năm qua trên thế giới có khiến cho George Blake phải xét lại một số quan niệm của ông nhưng trước sau như một ông vẫn trung thành với lý tưởng.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ “Times” năm 2003, ông thừa nhận trước kia ông đã ít nhiều ngộ nhận về con người Xô viết và xã hội Xô viết.

Tuy nhiên, ông vẫn không mất lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản. Ông nói: “Cần nhiều, rất nhiều thế hệ nữa để nhân loại xây dựng được xã hội cộng sản”. Ông cũng khẳng định ông đã hành động đúng khi tham gia vào  cuộc “thực nghiệm cao quý” của nhân loại cho dù cuộc thực nghiệm ấy không thành công.

Hiện nay George Blake đang sống ở Moskva. Tuy đã 83 tuổi nhưng ông vẫn tham gia vào việc đào tạo các điệp viên trẻ của nước Nga mới.

Ông cũng vẫn đi nhiều nơi khắp nước Nga để phát biểu và gặp gỡ các tập thể cơ quan an ninh địa phương, các điệp viên ngành tình báo quân sự, các thủy thủ, các sinh viên v..v.. Ông rất hài lòng với sự an bài như vậy của số phận và cảm thấy nước Nga đúng là Tổ quốc thứ hai của ông.

MỚI - NÓNG