Một làn sóng đầu tư mới sẽ vào Việt Nam

Thiếu tướng Lê Văn Cương.
Thiếu tướng Lê Văn Cương.
TP - Năm 2006, Việt Nam tổ chức thành công APEC và sau đó 3-5 năm, một dòng đầu tư nước ngoài rất lớn đổ vào Việt Nam. FDI sau năm 2006 tăng vọt. Tôi nghĩ rằng, sau APEC 2017 cũng vậy, chắc chắn các cường quốc hàng đầu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và cả Liên minh châu Âu cũng tiếp nhận không khí cởi mở và tốt đẹp này, các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia sẽ đầu tư vào Việt Nam. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược quân sự - Bộ Công an, nhận định.

APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao, diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có nhiều vấn đề nóng bỏng. Việt Nam đã hóa giải những thách thức đó như thế nào, thưa ông?

Có thể nói, APEC 2017 khác biệt rất lớn so với các kỳ APEC trước đây về cả an ninh và chính trị. Về kinh tế, sau 10 tháng lên cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thực hiện chính sách “Nước Mỹ trên hết” mang đậm màu sắc bảo hộ mậu dịch, đi ngược lại với chính sách tự do thương mại mà thế giới đang theo đuổi. Ngay từ khi vừa bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP, một công trình mà 11 nước châu Á-Thái Bình Dương chờ đợi và mong muốn. Ông cũng chính thức khép lại NAFTA với hai đồng minh Canada và Mexico; khép lại hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc. Có thể nói, con tàu toàn cầu hóa kinh tế đang đi vào vùng thời tiết rất xấu. Có thể nói, từ xưa tới nay, con tàu bảo hộ mậu dịch và tự do thương mại chưa bao giờ chòng chành như lúc này.

Chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã làm cho tình hình Đông Á nóng lên chưa từng thấy.Trước khi APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam, Triều Tiên, Đông Bắc Á đang là điểm nóng nhất của hành tinh. Có thể nói, đụng chạm tới Triều Tiên, không chỉ đụng chạm tới Đông Bắc Á, mà còn đụng chạm tới toàn cầu. Vấn đề bán đảo Triều Tiên năm 2017 nóng tới độ lấn át hết các vấn đề Ukraine, Syria, Iraq, Afghanistan...

Trước những thách thức này, tôi nhận thấy Việt Nam đã có những bước tiếp cận khôn ngoan để hóa giải. Thứ nhất, Việt Nam đã khéo léo khi tạo ra được các chủ đề quy tụ được các nền kinh tế, gạt đi được những bất đồng lớn nhất của các nền kinh tế như các chủ đề về tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm, việc làm bền vững trong kỷ nguyên số, tạo động lực mới để thúc đẩy đầu tư... Với chủ đề này, Việt Nam đã kéo được Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và các nước khác vào vấn đề mà Việt Nam đưa ra và họ thấy rằng mình được tôn trọng.

Thứ hai, Việt Nam đã tạo ra môi trường thân thiện, chân thành, cởi mở để các lãnh đạo APEC trao đổi thẳng thắn các vấn đề mà mọi quốc gia quan tâm, góp phần xóa bỏ mọi gay gắt, hướng tới cái chung.

Theo ông, Việt Nam sẽ phải làm gì để biến thành hiện thực những cơ hội đến từ thành công của APEC 2017?

Năm 2006, Việt Nam tổ chức thành công APEC và sau đó 3-5 năm, một dòng đầu tư nước ngoài rất lớn đổ vào Việt Nam. FDI sau năm 2006 tăng vọt. Tôi nghĩ rằng, sau APEC 2017 cũng vậy, chắc chắn các cường quốc hàng đầu ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và cả Liên minh châu Âu cũng tiếp nhận không khí cởi mở và tốt đẹp này, các tập đoàn đa quốc gia, xuyên quốc gia sẽ đầu tư vào Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, điều này chúng ta hy vọng và chắc chắn sẽ đến. APEC 2017 thành công sẽ giúp mở rộng đầu tư và là bước ngoặt cho kinh tế đối ngoại phát triển.

Tất nhiên, APEC chỉ tạo ra điều kiện, còn chúng ta phải chủ động tận dụng những thời cơ APEC mang lại. Để làm được điều này, tôi nghĩ rằng, Việt Nam phải thúc đẩy những đột phá như: xây dựng bộ máy liêm chính, cần kiệm, tất cả vì người dân, vì phát triển kinh tế; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm ăn; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu quốc tế; xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh…

Điều cần thiết hơn cả là phải đổi mới tư duy về đối ngoại. Nếu như năm 1986, chúng ta đã đổi mới tư duy kinh tế, thì sau 30 năm, ta nên đổi mới tư duy lần thứ hai để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG