Một lời mời khiến ba Tổng thống vùng Bantích tiến thoái lưỡng nan

Một lời mời khiến ba Tổng thống vùng Bantích tiến thoái lưỡng nan
Cuối tháng 12 năm 2004, Tổng thống Nga Putin gửi đến các Tổng thống ba nước vùng Bantích lời mời đến dự ngày hội Chiến Thắng sẽ tổ chức trọng thể ở Mátxcơva vào ngày 9 tháng 5 năm nay nhân dịp 60 năm ngày nhân dân Liên Xô chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức.

Và ngay lập tức lời mời này đã đặt ba Tổng thống vùng Bantích vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Quan hệ giữa Nga và ba nước vùng Bantích là Látvia, Lítva và Extônia từ lâu đã không thể gọi là êm thấm. Kể từ khi Liên Xô tan rã và ba nước cộng hoà Xô viết cũ này trở thành những quốc gia độc lập thì họ thi hành một chính sách đối ngoại hoàn toàn hoà nhập với châu Âu, gia nhập NATO và tìm mọi cách tách biệt hẳn khỏi ảnh hưởng của Nga. Họ phân biệt đối xử với những người gốc Nga (chiếm tới non nửa dân số của cả ba nước đó), coi đó là con em của “những kẻ chiếm đóng” và không cho phép giảng dạy tiếng Nga trong nhà trường. Nhưng những mâu thuẫn giữa Nga và ba nước vùng Bantích chỉ bùng lên với một sức mạnh mới từ vài tháng nay và bắt đầu từ một lời mời này

Một mặt, đương nhiên là họ không muốn nhận lời mời. Theo quan điểm của một số nhà lãnh đạo ba nước vùng Bantích hiện nay thì đó không phải là ngày hội Chiến thắng mà lại là ngày thay thế ách chiếm đóng phát xít bằng “ách chiếm đóng Liên Xô”. Đối với họ, thế chiến thứ hai kết thúc không phải vào ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng các nước vùng Bantích khỏi hoạ phát xít, thậm chí, không phải vào tháng 5 năm 1945, mà là vào tháng 5 năm 1990, khi ba nước Látvia, Lítva và Extônia trở thành những quốc gia độc lập. Bởi vậy, nếu đến Mátxcơva theo lời mời của phía Nga thì tức là họ chính thức thừa nhận “ách chiếm đóng Liên Xô”.

Mặt khác, họ lại không thể từ chối một cách đơn giản lời mời của phía Nga. Công lao quyết định và những hy sinh to lớn của nhân dân Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát xít là điều được cả thế giới thừa nhận. Mặc dù trong vài chục năm qua, nhiều nhà sử học phương Tây đã ra sức “viết lại lịch sử” nhằm hạ thấp và thậm chí xuyên tạc vai trò của Liên Xô trong thế chiến thứ hai nhưng đa số nhân loại vẫn thừa nhận sự thật lịch sử đó.

Mới đây, trong thời gian diễn ra lễ kỷ niệm ngày Hồng quân Liên Xô giải phóng trại tập trung Oxơvenxim ở Ba Lan, Giáo hoàng Giăng Pôn II đã lên tiếng ca ngợi chiến công của quân đội và nhân dân Liên Xô trong thế chiến thứ hai.

Và mới đây nhất, khi trả lời phỏng vấn của tờ báo Nga “Tin tức” hồi giữa tháng 2, ngay cả Tổng thống Mỹ Gióocgiơ Busơ cũng tuyên bố: “Các cựu chiến binh Nga và nhân dân Nga đã trải qua những năm tháng hy sinh phi thường. Những tấm gương dũng cảm và anh hùng của họ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quốc xã là thực sự xuất chúng. Đó là bài học vĩ đại về chủ nghĩa anh hùng”.

Trong bối cảnh đó, việc từ chối lời mời đến Mátxcơva dự ngày hội Chiến Thắng không những là bất nhã đối với Nga và còn là một sai lầm về chính trị và đạo đức. Và dường như để tạo cớ từ chối, ở ba nước vùng Bantích đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo mà trong đó, nhiều nhà hoạt động xã hội và chính khách ra sức gây nên một vụ “xcăngđan ngoại giao” với Nga và kêu gọi ba Tổng thống không nên đến Mátxcơva.

Các nhà phân tích không loại trừ khả năng là trong thâm tâm, ba Tổng thống vùng Bantích muốn mượn cớ này để phía Nga sẽ rút lại lời mời. Nhưng phía Nga đã tuyên bố rõ là không hề có chuyện rút lại lời mời đã gửi đi.

Ba Tổng thống vùng Bantích khó lòng không đến Mátxcơva còn do  một nguyên nhân nữa và nguyên nhân thứ hai này mới là thật sự quan trọng. Đó là nếu không đến Mátxcơva dự ngày hội Chiến Thắng thì họ sẽ rơi vào tình thế cô lập.

Hồi giữa tháng 2, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo Nga, Chủ tịch ủy ban đối ngoại Đuma Quốc gia Nga Cônxtantin Côxasép cho biết Nga đã gửi lời mời đến 54 nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới và 50 nhà lãnh đạo đã nhận lời mời.

Nhà lãnh đạo thứ 51 – Thủ tướng Anh Tôni Ble – nói là sẽ quyết định chính thức sau cuộc bầu cử ở Anh vào tháng 3. Như vậy, theo lời ông Côxasép, nếu Tổng thống ba nước vùng Bantích không nhận lời mời đến Mátxcơva thì đó không hề là “thảm hoạ” đối với Nga mà ngược lại, họ sẽ “hoàn toàn bị cô lập”.

Ai cũng biết là ba nước vùng Bantích chỉ là những nước “em út” mới gia nhập “đại gia đình châu Âu” EC cách đây không lâu. Nếu những nước “đàn anh” khác đến Mátxcơva đông đủ mà họ không đến thì tức là họ đã tự tách khỏi “đại gia đình” EC và tự gạt mình ra khỏi một sự kiện có ý nghĩa toàn thế giới. Chính bản thân họ cũng cảm thấy hành động như vậy là khó coi và bất lợi.

Trước tình thế khó xử ấy, ba Tổng thống vùng Bantích quyết định sẽ họp lại vào tháng 3 để thoả thuận với nhau về một “quyết định tập thể”: nếu đi thì cùng đi, nếu không đi thì cùng không đi.

Nhưng người có thái độ cứng rắn nhất là nữ Tổng thống Látvia Vaira – Phrâybéc lại không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến tháng 3. Giữa tháng 2, bà tuyên bố sẽ đến Mátxcơva, nhưng theo lời bà, bà đến thủ đô Nga không phải để dự ngày hội Chiến Thắng mà là để giải thích cho mọi người biết “thực chất” của ngày hội này, khi “các nước vùng Bantích bị chiếm đóng”. Bà cứ lớn tiếng nói thế thôi chứ thực ra, bà cũng thừa biết là ở Mátxcơva, chẳng ai lại tạo cho bà cơ hội giải thích theo kiểu “khác đời” như vậy.

“Quyết định đơn phương” của nữ Tổng thống Látvia khiến hai Tổng thống Lítva và Extônia càng thêm lúng túng. Tổng thống Lítva Vanđát Ađamcút tuyên bố nếu ông là một công dân bình thường thì ông sẽ không đến Mátxcơva, nhưng vì là nguyên thủ quốc gia nên ông phải đưa ra một quyết định phù hợp với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, ông chưa nói rõ quyết định đó là như thế nào. Tổng thống Extônia Acnôn Ruyten thì vẫn lần lữa chưa đưa ra quyết định chính thức là có đến Mátxcơva hay không.

Trong lúc đó, mọi công việc chuẩn bị cho ngày hội Chiến Thắng mồng 9 tháng 5 vẫn được nước chủ nhà tiến hành theo đúng kế hoạch với mọi nghi lễ trọng thể nhất. Và các nhà lãnh đạo nước ngoài khi được hỏi đều lần lượt tuyên bố sẽ đến Mátxcơva chia vui với nhân dân Nga.

Gần đây nhất, trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho báo chí Nga trước thềm cuộc gặp Thượng đỉnh Nga – Mỹ ở Bratixlava, Tổng thống Gióocgiơ Busơ tuyên bố: “Tôi muốn mọi người đều biết rõ là tôi nhất định sẽ đến Mátxcơva. Và tôi muốn nói với các cựu chiến binh Nga: “Cảm ơn các bạn vì tinh thần hy sinh quên mình của các bạn!”. Ông Busơ còn nói thêm: “Tôi đang chuẩn bị cho ngày hội sắp tới và tôi nóng lòng muốn đến Mátxcơva”.

Lời tuyên bố dứt khoát như đinh đóng cột này của ông Busơ chắc chắn sẽ khiến các Tổng thống ba nước Bantích càng thêm tiến thoái lưỡng nan. Nhưng biết đâu lại khiến họ quyết định dễ dàng hơn?

(Tổng hợp báo chí Nga, 2/3/2005)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.