Mùa xuân và hội ngắm hoa anh đào Nhật Bản

Mùa xuân và hội ngắm hoa anh đào Nhật Bản
TP - Có hai loài hoa được người Nhật Bản coi là quốc hồn quốc tuý của họ, đó là hoa cúc vàng biểu tượng cho Vương triều và hoa anh đào biểu tượng cho cốt cách tâm hồn người Nhật.
Mùa xuân và hội ngắm hoa anh đào Nhật Bản ảnh 1
Tại một lễ hội ngắm hoa anh đào ở Tokyo

Hàng năm cứ mỗi độ xuân về, người Nhật háo hức chờ đến ngày lễ hội Hanami. Trong tiếng Nhật, “hana” có nghĩa là hoa, “mi” là ngắm. Nhật Bản là một quốc đảo trải dài hàng ngàn km từ Bắc đến Nam.

Vì thế vào mùa xuân, hoa anh đào nở dần từ miền Nam trước rồi  lan tới miền Bắc theo thời tiết ấm dần lên các vùng miền.

Vào mùa hoa anh đào nở, Đài truyền hình NHK trong chương trình tin tức đặc biệt “sakura zensen” hàng ngày thông báo hoa anh đào đã nở rộ đến vùng nào của đất nước.

Những năm công tác tại Nhật Bản, mùa Xuân nào tôi cũng được Thủ tướng Nhật Bản mời dự lễ hội ngắm hoa anh đào tại một công viên ở quận Shibuya (Tokyo). Khách được mời là các đại sứ, trưởng đại diện các cơ quan nước ngoài thường trú tại Tokyo.

Người đến dự lễ hội được cài trên ngực một bông hoa anh đào và dòng chữ khách mời của Văn phòng Nội các. Lễ hội bao giờ cũng có một bài phát biểu ngắn gọn của Thủ tướng Nhật Bản đại ý ca ngợi vẻ đẹp của hoa anh đào và mời các quan khách thưởng thức rượu sake và ngắm hoa.

Trong công viên rộng mênh mông, khách mời cùng các vị quan chức Chính phủ Nhật Bản vừa thong dong thả bộ dưới những rặng cây anh đào nở hoa rực rỡ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa vừa trò chuyện.

Vào những ngày hoa anh đào nở rộ ở Tokyo, các Cty, trường học đều cho nhân viên, học sinh của mình nghỉ việc nửa ngày, thường là buổi chiều, để ngắm hoa.

Các nhân viên trẻ thường được giao nhiệm vụ ra các công viên để giữ chỗ bằng cách trải những tấm vải nhựa trên bãi cỏ hay lối đi tại vị trí tốt nhất để mọi người có thể ngồi uống rượu sake và ngắm hoa.

Mùa xuân và hội ngắm hoa anh đào Nhật Bản ảnh 2
Hoa anh đào

Các công viên Ueno, Yoyogi Koen, Kudanshita, Shibuya là những nơi có nhiều cây hoa anh đào trồng tập trung nên thu hút nhiều khách nhất. Tại lễ hội ngắm hoa anh đào, người nào cũng vui vẻ, cởi mở và sẵn lòng mời khách lạ thưởng thức các món ăn, đồ uống mà họ mang theo.

Anh đào là cây thân gỗ, cao to như cây phượng vĩ ở Việt Nam. Vào mùa Đông, cây trụi lá hoàn toàn để trơ lại những cành khẳng khiu như cành cây bàng mùa Đông.

Chỉ khi mùa Xuân tới, từ các mắt nhỏ trên cành anh đào nẩy ra những lộc nhỏ li ti rồi sau đó phát triển dần thành những chùm hoa. Vì thế trên cây anh đào mùa Xuân chỉ thấy rực rỡ những hoa mà rất ít lá. Các hướng dẫn viên du lịch cho biết, tại Nhật Bản có tất cả hơn 50 loài hoa anh đào khác nhau.

Có loại màu trắng như hoa lê, có loại phơn phớt vàng như hoa mai, nhưng đẹp nhất vẫn là hoa anh đào màu hồng. Có lẽ không một loài hoa nào như anh đào gây được nhiều cảm hứng nhất cho các nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ sáng tác.

Theo một cuốn sách hướng dẫn du lịch, phong tục ngắm hoa anh đào ở Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ thứ 7 khi các học sĩ có thú vui ngắm hoa anh đào để làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của loài hoa gắn liền với người Nhật này. Cho đến nay không ai biết được ở Nhật Bản đã có bao nhiêu  tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa về các vẻ đẹp khác nhau của hoa anh đào. 

Những người sành điệu thời nay cho rằng hoa anh đào gợi cảm nhất, đẹp nhất không phải là lúc hoa nở rộ trên cành mà là lúc hoa bắt đầu tàn. Từ lúc hoa bắt đầu nở đến lúc tàn chỉ có một tuần.

Tôi đã chứng kiến vào cuối mùa hoa anh đào, dưới ánh trăng mùa Xuân trời se lạnh, một làn gió nhẹ khẽ rung cành làm hàng ngàn cánh hoa rơi lả tả, lấp lánh dưới trăng gợi nên bao cảm xúc vui buồn trong lòng người. Chính điều này mà người Nhật cảm thấy hoa anh đào giống với tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm của họ.

Tôi nhớ mãi câu nói của anh bạn - một nhà báo Nhật Bản- nói rằng những cảm xúc nảy sinh từ lễ hội ngắm hoa anh đào đã khiến rất nhiều người Nhật tin rằng ở trên đời cái gì quá đẹp thì không tồn tại lâu.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.