Mức nguy hiểm phóng xạ Fukushima bằng vụ Chernobyl

Mức nguy hiểm phóng xạ Fukushima bằng vụ Chernobyl
TP - Ngày 12-4, Cục An toàn Hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản thông báo, một lượng lớn chất phóng xạ có thể ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường đang phát ra từ nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1. Nhật Bản nâng cấp độ nguy hiểm từ 5 lên 7 (mức cao nhất theo chuẩn quốc tế), tương đương sự cố Chernobyl.

> Nhật nâng khủng hoảng hạt nhân lên cấp cao nhất 

Cơ quan chức năng Nhật Bản đo được cường độ phóng xạ iodine 131 và cesium 137 tại khu vực gần nhà máy Fukushima số 1 ở mức 370.000 terabecquerel. Ủy ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản nói rằng, ước tính, cả hai chất phóng xạ iodine 131 và cesium 137 đã thoát ra ngoài ở mức 630.000 terabecquerel (1 terabecquerel = 1.000 tỷ becquerel). Với cường độ phóng xạ cao như vậy, các chuyên gia cho rằng, mức nguy hiểm về phóng xạ thoát ra từ nhà máy Fukushima số 1 tương đương độ nguy hiểm phóng xạ thoát ra nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) sau vụ nổ năm 1986.

Chuyên gia an toàn hạt nhân Hidehiko Nishiyama cho biết, khi xảy ra vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl, 29 người chết tại chỗ do nhiễm xạ trực tiếp với cường độ mạnh. Tại nhà máy Fukushima số 1, cho đến nay chưa có ai thiệt mạng do nhiễm phóng xạ thoát ra từ các lò phản ứng hạt nhân. Ông Nishiyama nói rằng, về bản chất, vụ nổ ở nhà máy Chernobyl khác với vụ nổ khí hydro tại các lò phản ứng của nhà máy Fukushima. Tại Chernobyl, vỏ lò phản ứng bị vỡ toác và nóng chảy, trong khi tại Fukushima, các vỏ lõi lò phản ứng vẫn gần như nguyên vẹn.

Ông Nishiyama cho biết, việc nâng cấp độ nguy hiểm phóng xạ ở Fukushima lên cấp 7/7 không làm thay đổi kế hoạch sơ tán dân hiện nay vì kế hoạch được xây dựng trên cùng một cơ sở để đánh giá mức độ phóng xạ. Ông này nói rằng, mức độ thoát phóng xạ ở Fukushima chỉ bằng 1/10 so với sự cố Chernobyl. Sau vụ nổ Chernobyl, một vùng đất có bán kính 30 km quanh nhà máy bị tuyên bố là vùng đất chết, không thể cư trú và trồng trọt. Sự cố lò phản ứng hạt nhân ở nhà máy Three Miles Island ở Mỹ bị xếp ở mức 5/7.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 12-4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yuki Edano nói rằng, việc nâng cấp nguy hiểm hạt nhân Fukushima lên thang 7/7 cho thấy đây là một thảm họa hạt nhân cực kỳ lớn. Ông bày tỏ lời xin lỗi công chúng quanh khu vực nhà máy Fukushima và cộng đồng quốc tế vì Nhật Bản đã để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng.

Trong khi các chuyên gia an toàn hạt nhân đang bối rối đối phó tình hình ngày càng nghiêm trọng ở nhà máy Fukushima số 1, ngày 12-4, một dư chấn 6,3 độ Richter xảy ra tại khu vực nhà máy Fukushima khiến Cty Điện lực Tokyo phải cho công nhân tạm nghỉ.

Tepco có thể phải bồi thường 23,6 tỷ USD

Cty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, có thể phải bồi thường 2.000 tỷ yen (23,6 tỷ USD) cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy này, theo nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu thế giới JP Morgan. Trong khi đó, cổ phiếu của Tepco mất hơn 75% giá trị sau trận động đất, sóng thần hôm 11-3.

Theo luật pháp Nhật Bản, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân có thể không phải chịu trách nhiệm nếu sự cố phát sinh do thiên tai khác thường. Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định xếp hạng trận động đất, sóng thần hôm 11-3 là thiên tai khác thường hay không.

Minh Long (theo BBC, Kyodo)

Đ.P
Theo NHK, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG