Mỹ - Ấn - Nhật - Úc lập liên hoàn trận 'nhốt rồng'

Mỹ - Ấn - Nhật - Úc lập liên hoàn trận 'nhốt rồng'
TPO - Các nước có hợp tác phòng ngừa trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nga cũng tiến hành tập trận và tăng cường binh lực đề phòng người láng giềng khổng lồ.

Mỹ - Ấn - Nhật - Úc lập liên hoàn trận 'nhốt rồng'

> Mỹ, Hàn âm mưu 'đánh quỵ' Triều Tiên qua lương thực

> Khi ông Kim Jong-un muốn 'Triều Tiên là người đánh cờ' 

TPO - Các nước có hợp tác phòng ngừa trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nga cũng tiến hành tập trận và tăng cường binh lực đề phòng người láng giềng khổng lồ.

Gần đây, Mỹ và Úc đã tăng cường đáng kể quan hệ quân sự. Ấn Độ và Mỹ cũng tích cực thúc đẩy một cơ chế đối thoại an ninh tay ba Mỹ-Ấn-Nhật. Một thế trận liên hoàn đang dần dần hình thành để đối phó với sự trỗi dậy đầy tham vọng của Trung Quốc.

Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông và tăng cường tiềm lực hải quân, không ngần ngại đe dọa, chèn ép hầu hết các nước có tranh chấp với họ, kể cả Nhật Bản và Ấn Độ. Điều này gây quan ngại cho các nước liên quan trong vùng và Mỹ, cường quốc cho đến nay, vẫn đóng vai trò bảo đảm ổn định cho khu vực Thái Bình Dương.

Tàu chiến Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ tập trận tại Vịnh Tokyo
Tàu chiến Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ tập trận tại Vịnh Tokyo.
 

Hợp tác để phòng ngừa

Từ năm 2009, bốn nước này đã khởi động sự hợp tác tay ba, tay tư. Nhưng các hành động gần đây của Trung Quốc đã thúc đẩy bốn nước lớn châu Á-Thái Bình Dương nói trên xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Hải quân Mỹ, Úc, Nhật Bản đã lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông. Tàu chiến Úc cũng đi lại thường xuyên hơn tại Ấn Độ Dương.

Tàu chiến Úc và Ấn Độ tập trận tại Ấn Độ Dương
Tàu chiến Úc và Ấn Độ tập trận tại Ấn Độ Dương.

Nổi bật nhất là việc củng cố thêm liên minh quân sự Mỹ-Úc. Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước này, Bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước hội đàm tại San Francisco (Mỹ) đã đạt các thỏa thuận mở đường cho quân đội Mỹ quyền tự do tiếp cận các căn cứ tại Úc, cung cấp cho Mỹ với một chỗ đứng vững chãi nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Đại diện hai nước còn thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trong các dự án về không gian và tên lửa phòng thủ. Tháng 11/2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự định thăm Úc để tăng cường quan hệ liên minh với nước này. Năm 2010, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã cam kết cùng với Úc chia sẻ quyền sử dụng các hải cảng và căn cứ. Quân đội Mỹ có thể bố trí sẵn thiết bị của mình trên đất Úc để sử dụng dễ dàng hơn các cơ sở và hải cảng của nước này.

Patrick Cronin, chuyên gia quân sự đặc trách vùng Đông Á tại trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security của Mỹ, nói trên Thời báo tài chính (Anh), cho rằng: "Úc đóng một vai trò bản lề trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương”. Sự hợp tác Mỹ-Úc "làm cho toàn thể khu vực được yên tâm hơn”.

Tại Washington, đã mở ra cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ tư liên quan Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới tại Indonesia. Hai bên còn bàn thảo về cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Nhật-Ấn, sẽ được mở ra.

Nga chẳng 'khoanh tay ngồi nhìn'

Mạng Sina.com  bình luận cho rằng "Nga sẽ không dễ dàng theo Mỹ, Nhật để bao vây Trung Quốc”, đưa lại tin của tạp chí Tin tức kinh tế Nhật Bản cho biết, bắt đầu từ tháng 9/2011, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ lần lượt cùng với Nhật Bản và Mỹ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp. Mạng Sina.com phân tích: "Nếu Nga liên kết cùng Mỹ, Nhật kiềm chế Trung Quốc thì vòng vây đối với Trung Quốc không còn là hình chữ C mà sẽ là khép kín, thành hình chữ 0, điều này có ảnh hưởng to lớn đối với Trung Quốc”. Tuy cho rằng Nga không tham gia vào thế liên hoàn nhằm bao vây Trung Quốc, nhưng nêu lên mấy hiện tượng:

(1) Trung Quốc, Nga và 4 nước thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) vốn dự định tổ chức diễn tập quân sự liên hợp 2 năm 1 lần, nhưng cuộc diễn tập dự định sẽ tổ chức vào mùa hè đã bị hoãn lại. Nga chủ trương diễn tập quân sự trên Biển Nhật Bản, Trung Quốc lại tránh khu vực biển này.

(2) Nga bằng việc tiếp cận gần hơn với Bắc Triều Tiên và các nước, tăng cường ưu thế đối với châu Á, nhân tố thực chất phía sau của vấn đề này là quan hệ Trung Quốc - Nga đang có những thay đổi không tốt. Quan chức ngoại giao của Nga từng tiết lộ, việc hội đàm cấp cao giữa lãnh đạo Triều Tiên và Nga thực chất là do phía Bình Nhưỡng đề xuất. Triều Tiên muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, còn Nga cũng muốn kiềm chế Trung Quốc và tìm kiếm chỗ đứng chân vững chắc tại châu Á.

(3) Quan hệ Mỹ-Nga không ngừng được cải thiện dưới chính quyền Obama, trong khi Trung Quốc không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự thời gian qua, Nga đã bắt đầu chú ý đến "mối đe dọa Trung Quốc”. Những năm gần đây vũ khí Nga bán cho Trung Quốc giảm dần, Nga còn thành lập bộ Tư lệnh tác chiến liên hợp Hải Lục Không quân vùng Viễn Đông gần với khu vực biên giới Trung Quốc. Chủ nhiệm Sở nghiên cứu phòng vệ thuộc Phòng vệ tỉnh Nhật Bản nhận xét: "Việc bố trí binh lực của Nga cho thấy Nga đã đưa Trung Quốc vào phạm vi cần nghiên cứu đối phó”.

Theo một số chuyên gia nghiên cứu các vấn đề quân sự Nga của Trung Quốc, gần đây Nga không có bất kỳ báo cáo nào về vấn đề tổ chức diễn tập quân sự liên hợp với Mỹ và Nhật Bản. Trước một sự kiện quan trọng như vậy mà báo chí Nga không có bất kỳ tin tức nào liên quan là điều rất không bình thường. Điều này có thể có hai nguyên nhân: Một là, tin tức từ tạp chí trên của Nhật Bản có thể chỉ là suy đoán, thậm chí là bịa đặt. Hai, có thể là, việc diễn tập quân sự trên là thực tế, nhưng công tác bảo mật của Nga rất tốt, nên báo chí Nga không thể có tin tức gì.

Tuy nhiên Thời báo Mátxcơva của Nga gần đây cho rằng mặc dù Nga cũng có những lo lắng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhưng Nga khó liên kết với Mỹ để chống Trung Quốc vì Mỹ nhất định sẽ đưa Nga đi đầu "làm bia đỡ đạn”. Ngoài ra Nga còn có những tính toán chiến lược riêng của mình đối với thế giới, với khu vực châu Á và Trung Quốc.

Nga dè chừng Mỹ, lo Trung Quốc

Thời gian qua, Nga liên tục có các động thái quân sự tại các khu vực xung quanh Nhật Bản khiến nước này vô cùng lo ngại.

Hai máy bay ném bom chiến lược TU95 của Không quân Nga đã áp sát không phận Nhật Bản, trong khi 24 tàu chiến Nga đã đi ngang qua eo biển Soya của Nhật Bản. Ngay sau đó, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev đã tới thăm các hòn đảo thuộc vùng Lãnh thổ Phương Bắc (Nga gọi là quần đảo Nam Kurils). Tiếp đó, Hạm đội Thái Bình Dương thuộc quân khu Viễn Đông của Nga đã tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Nhật Bản, Biển Okhod và khu vực Tây-Bắc Thái Bình Dương với sự tham gia của hơn 50 tàu chiến, 35 tàu hộ tống-tiếp ứng, 50 máy bay tiêm kích và lên thẳng cùng 10.000 lính thủy.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sau đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Genba đã nói rằng động thái và ý đồ của Nga khiến cho người dân Nhật Bản lo ngại, do đó yêu cầu Mátxcơva có các hành động kiềm chế hơn để không gây kích động tâm lý của người dân Nhật Bản.

Tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận tại Biển Đông
Tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản tập trận tại Biển Đông.

Một điều cũng gây chú ý không kém là việc Nga mới đưa vào chạy thử tàu ngầm nguyên tử đa chức năng lớp Borei mang tên Yuri Dolgoruky, vốn được lên kế hoạch trang bị cho căn cứ Vilyuchinsk ở phía Đông bán đảo Kamchatka ngay trong năm nay. Loại tàu này có thể lắp đặt 10 tên lửa đạn đạo Bulava-M có tầm bắn 8.000 km.

Máy bay ném bom chiến lược của Nga tham gia tập trận tại biển Okhotsk
Máy bay ném bom chiến lược của Nga tham gia tập trận tại biển Okhotsk.

Mục tiêu của loại tên lửa này sẽ là nước Mỹ. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng Viễn Đông là nhằm đối phó với Trung Quốc. Trưởng phòng Nghiên cứu Mỹ-châu Âu-Nga thuộc Viện Nghiên cứu Phòng vệ Nhật Bản Hyodo Shinji cho rằng hiện nay quan hệ an ninh giữa Nga-Mỹ và Nga-châu Âu tương đối ổn định nên Mátxcơva bắt đầu chuyển hướng quan tâm sang khu vực Đông Á.

Mặc dù Nga và Trung Quốc đang muốn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, song Nga vẫn không thể không đề phòng Trung Quốc trước việc nước này phát triển quá nhanh và ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự. Nga lo ngại rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động của Hải quân tới tận vùng biển Okhod nên họ đã tiến hành tập trận tại đây như một lời nhắn gửi tới Bắc Kinh rằng đây là vùng biển thuộc phạm vi ảnh hưởng của Mátxcơva./.

Lưu Việt

Theo Viết
MỚI - NÓNG