Mỹ bảo vệ các nhà ngoại giao như thế nào?

Đội FAST của Mỹ đang tập luyện. Ảnh: Americanspecialops.
Đội FAST của Mỹ đang tập luyện. Ảnh: Americanspecialops.
TPO - Mức độ bảo vệ một quan chức nước ngoài dựa trên mức độ nguy cơ và sự sẵn lòng của đất nước quan chức đó trong việc bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ ở nước họ.

Cục An ninh Ngoại giao (DS) của Mỹ bảo vệ các chức sắc nhiều hơn bất kỳ cơ quan nào trong chính phủ Mỹ. Các đặc vụ DS canh gác, bảo vệ ngoại trưởng Mỹ 24h/ngày, 7 ngày/tuần, bất kỳ nơi nào trên thế giới mà ngoại trưởng đặt chân tới.

Ngoài Ngoại trưởng Mỹ, các đặc vụ DS bảo vệ Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc và các quan chức nước ngoài dưới cấp nguyên thủ quốc gia tới thăm Mỹ (xấp xỉ 150 người/năm).

Mức độ bảo vệ một quan chức nước ngoài dựa trên mức độ nguy cơ và sự sẵn lòng của đất nước quan chức đó trong việc bảo vệ các nhà ngoại giao Mỹ ở nước họ. DS đã bảo đảm an ninh cho nhiều cá nhân, như ngoại trưởng, cựu nguyên thủ quốc gia, thành viên Hoàng gia Anh, đại diện của các đoàn đàm phán hòa bình Trung Đông, Tổng thư ký NATO, lãnh đạo Palestine Yassar Arafat, Boris Yeltsin, Nelson Mandela (trước khi họ trở thành nguyên thủ quốc gia)…

Mùa thu hằng năm, DS bảo vệ khoảng 30 quan chức nước ngoài có mặt tại New York dịp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Việc chuẩn bị cho Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu vào tháng 1 và kéo dài tới đầu tháng 9, khi tất cả đặc vụ tới New York dịp hội nghị này.

DS cũng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn cho các sự kiện đặc biệt, như đàm phán hòa bình của ngoại trưởng Israel và Syria, Olympic mùa đông…

Bảo vệ đại sứ quán

Ngoại trưởng Mỹ và trưởng phái đoàn Mỹ (COM) chịu trách nhiệm phát triển, thực hiện các chương trình, chính sách an ninh bảo đảm an ninh, an toàn cho tất cả nhân sự của chính phủ Mỹ (bao gồm người phụ thuộc đi kèm) khi họ công tác nước ngoài. Nhiệm vụ này được thực hiện thông qua DS.

Mỹ bảo vệ các nhà ngoại giao như thế nào? ảnh 1

Các đặc vụ DS và bà Hillary Clinton lúc còn là Ngoại trưởng Mỹ. Ảnh: Licdn.

Bảo vệ cơ sở và cá nhân là yếu tố quan trọng nhật của sứ mệnh DS ở nước ngoài vì chúng trực tiếp ảnh hưởng khả năng của Bộ Ngoại giao trong việc thực hiện chính sách đối ngoại.

Trong khi các liên minh và tổ chức khủng bố hoạt động xuyên biên giới, nguy cơ khủng bố chống lại các lợi ích của Mỹ vẫn rất lớn. Vì thế, bất kỳ phái đoàn Mỹ nào ở nước ngoài cũng có thể trở thành mục tiêu bị tấn công, dù được xác định là nằm trong một môi trường có nguy cơ thấp.

Gần 800 đặc vụ DS phục vụ trong các văn phòng an ninh khu vực tại hơn 250 vị trí khắp thế giới. Khi phục vụ ở nước ngoài, các đặc vụ DS (còn gọi là sĩ quan an ninh khu vực - RSO) quản lý các chương trình an ninh và cung cấp lớp bảo vệ đầu tiên cho nhân sự Bộ Ngoại giao Mỹ, gia đình họ, phái đoàn ngoại giao Mỹ và thông tin an ninh quốc gia.

RSO phục vụ với tư cách cố vấn chính cho COM về tất cả vấn đề an ninh, bằng cách phát triển, thực hiện các chương trình an ninh bảo đảm an toàn cho phái đoàn Mỹ và nơi ở của họ ở nước ngoài trước các vụ tấn công trực tiếp cũng như tấn công kỹ thuật.

Phối hợp với các cơ quan chính phủ khác của Mỹ có mặt ở nước ngoài, RSO lập kế hoạch để xử lý mọi tình huống khẩn cấp, bao gồm xách định trách nhiệm quản lý khẩn cấp với các sự việc từ bắt cóc con tin đến sơ tán. Trong thời điểm khủng hoảng và bất ổn chính trị, RSO dựa vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Cấp chỉ huy thống nhất có quyền cung cấp lực lượng chiến đấu, ví dụ Đội an ninh hạm đội chống khủng bố (FAST)…

Mỹ bảo vệ các nhà ngoại giao như thế nào? ảnh 2

Đặc vụ DS chỉ đạo diễn tập bảo vệ yếu nhân tại Zambia. Ảnh: State.

Ở những địa điểm có nguy cơ cao nhất, RSO có thể yêu cầu mức hỗ trợ an ninh cao hơn. DS có thể triển khai Đội An ninh lưu động từ Washington tới để huấn luyện cho cán bộ, nhân viên đại sứ quán, người phụ thuộc đi cùng và nhân viên an ninh địa phương về các chiến thuật bảo vệ như nhận diện tấn công, phòng thủ, sinh tồn con tin, lái xe phòng thủ…

Các đội này cũng có nhiệm vụ hỗ trợ an ninh khẩn cấp cho các địa điểm ở nước ngoài, bao gồm bảo vệ COM, thực hiện các chiến dịch phát hiện giám sát, hỗ trợ hậu sơ tán…

Trong trường hợp nước chủ nhà không thể hoặc không muốn cung cấp an ninh cần thiết cho phía Mỹ thực hiện nhiệm vụ ngoại giao, các đặc vụ DS được huấn luyện đặc biệt sẽ dẫn dắt các đội bảo vệ cá nhân (do nhà thầu an ninh cung cấp) cũng như các dịch vụ canh gác trong khu vực đang diễn ra xung đột.

Sau các vụ đánh bom hai đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam (Tanzania) và Nairobi (Kenya) in 1998, các biện pháp đối phó về an ninh dành cho phái đoàn Mỹ ở nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng.

MỚI - NÓNG