Mỹ bối rối khi Tổng thống Ai Cập bị lật đổ

Mỹ bối rối khi Tổng thống Ai Cập bị lật đổ
TP - Khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đã bước sang một giai đoạn mới sau khi Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi và toàn bộ nội các Ai Cập hôm qua bị quân đội lật đổ và bắt giữ để dọn đường cho Chánh án Tòa án Hiến pháp tuyên thệ nhậm chức chỉ vài giờ sau đó.

> Quân đội Ai Cập tuyên bố đang giữ Tổng thống Morsi
> Ai Cập: Phế truất Tổng thống, quân đội thảo luận lộ trình mới

Nhiều người Ai Cập ăn mừng vì nước này có Tổng thống lâm thời Adly Mansour (ảnh nhỏ) Ảnh: Suhaib Salem
Nhiều người Ai Cập ăn mừng vì nước này có Tổng thống lâm thời Adly Mansour (ảnh nhỏ). Ảnh: Suhaib Salem.

Buổi lễ tuyên thệ của Chánh án Adly Mansour trước Tòa án Hiến pháp được truyền hình trực tiếp trên kênh quốc gia. Theo sắc lệnh của quân đội, ông Mansour sẽ nắm quyền cho tới khi người dân bầu được nhà lãnh đạo mới. Tổng thống lâm thời Mansour được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Hiến pháp cách đây 5 ngày.

Đêm 3/7 (giờ địa phương), Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdel Fattah al-Sisi, tuyên bố hiến pháp tạm thời bị đình chỉ thi hành, ông Mansour được bổ nhiệm làm lãnh đạo lâm thời, đồng thời thành lập ủy ban xem xét hiến pháp và ủy ban hòa giải dân tộc với sự tham gia của phong trào thanh niên, sau khi quân đội bắt giữ và quản thúc ông Morsi tại một doanh trại chưa xác định của lực lượng Vệ binh cộng hòa.

Ông Morsi từ chối đề nghị rời Ai Cập để đến Yemen, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ… Lực lượng an ninh Ai Cập ngày 3/7 cũng tạm giữ hai lãnh đạo cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Ông Mohammed Morsi bị buộc phải thôi chức sau khi bác bỏ tối hậu thư của quân đội. Ảnh: AP
Ông Mohammed Morsi bị buộc phải thôi chức sau khi bác bỏ tối hậu thư của quân đội. Ảnh: AP.

Theo các nhà phân tích, việc ông Morsi mất quyền chỉ sau 1 năm nắm giữ vị trí tổng thống đầu tiên lên nắm quyền qua con đường bầu cử tự do đánh dấu một giai đoạn bất ổn mới ở đất nước đông dân nhất trong thế giới Ảrập.

Hai năm trước đó, Tổng thống Hosni Mubarak bị hạ bệ trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Ảrập”. Ông Morsi bị tố là “không thể đáp ứng đòi hỏi của người dân”; ông và lực lượng Anh em Hồi giáo đã lãnh đạo đất nước theo kiểu Hồi giáo, không thể giải quyết những vấn đề kinh tế của đất nước.

“Các thành viên tham dự cuộc họp đã đồng ý với lộ trình tương lai, trong đó vạch ra những bước đi ban đầu nhằm xây dựng một xã hội Ai Cập vững mạnh, gắn kết, không có ai bị gạt ra rìa, và chấm dứt tình trạng căng thẳng và chia rẽ”, tướng al-Sisi nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp.

Ông al-Sisi cho biết, lực lượng an ninh đang đảm bảo trật tự. Một số cuộc đụng độ giữa các nhóm đối lập đang xảy ra rải rác khắp cả nước, nhưng quy mô bạo lực không lớn như vài tuần qua, khiến hơn 40 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương.

Ngay sau khi ông Morsi bị bắt giữ, hàng triệu người dân Ai Cập đổ ra đường bắn pháo hoa, reo hò ăn mừng. Ngược lại, hàng ngàn người ủng hộ Anh em Hồi giáo tụ tập gần đó để thể hiện sự thất vọng và phản đối việc phế truất ông Morsi. Trong khi đó, Mỹ ra lệnh sơ tán bắt buộc đối với nhân viên Đại sứ quán tại Ai Cập.

Mỹ sẽ dừng viện trợ?

Sự kiện quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama phải trả lời câu hỏi khó về dân chủ và định nghĩa thế nào là đảo chính ở Ai Cập.

Câu hỏi mà ông Obama và các trợ lý của mình phải giải đáp trong những ngày tới là nên làm gì với gói viện trợ 1,5 tỷ USD mà Mỹ cấp cho Cairo mỗi năm, mà phần lớn trong số đó được rót cho quân đội. Chính quyền Mỹ cũng cần xác định nên làm thế nào để thúc đẩy nền dân chủ Hồi giáo.

Nếu Mỹ chính thức tuyên bố việc lật đổ ông Morsi là cuộc đảo chính, thì theo luật nước này, Washington phải chấm dứt viện trợ. Điều đó có thể làm suy yếu quân đội Ai Cập, một trong những thể chế ổn định nhất của đất nước đồng minh lâu năm của Mỹ, các nhà phân tích nhận định.

Một thực tế phức tạp là hàng triệu người dân Ai Cập đã biểu tình đòi Tổng thống từ chức, và quân đội đã công bố lộ trình thành lập chính quyền dân sự. Nhưng ông Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo vẫn được lòng không ít người dân.

Sau cuộc họp với các cố vấn hàng đầu tại Nhà Trắng, ông Obama phát biểu rằng ông “quan ngại sâu sắc” về hành động của quân đội Ai Cập và đã chỉ đạo cơ quan liên quan xem xét gói viện trợ của Mỹ dành cho nước này.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không dùng từ “đảo chính”, và gợi ý rằng Washington có thể chấp thuận hành động của quân đội như một cách nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở quốc gia 83 triệu dân đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.

Ông Obama cảnh báo rằng, quyết định cuối cùng của Washington về việc viện trợ cho Ai Cập sẽ phụ thuộc vào cách lực lượng vũ trang nước này chuyển giao quyền lực những tuần tới. Mỹ và Israel, hàng xóm của Ai Cập, đang lo lắng chờ đợi xem liệu Ai Cập, quốc gia đang quyền kiểm soát kênh đào Suez, có thể tự ổn định hay không.

Phản ứng của các nước lớn

Ngày 4/7, Anh tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền lâm thời của Ai Cập, dù không ủng hộ việc quân đội nước này lật đổ Tổng thống Morsi. Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle nói rằng, việc quân đội phế truất Tổng thống Morsi là một bước thụt lùi của nền dân chủ tại Ai Cập”.

Trong khi đó, Nga kêu gọi tất cả lực lượng chính trị tại Ai Cập kiềm chế, còn Trung Quốc tuyên bố ủng hộ lựa chọn của người dân Ai Cập và kêu gọi xúc tiến đối thoại.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon tuyên bố: “Hành động can thiệp của quân đội vào công việc của bất kỳ nhà nước nào là đáng lo ngại. Vì vậy, điều quan trọng là nhanh chóng củng cố luật dân sự phù hợp các nguyên tắc dân chủ”.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG