Mỹ cho phép Hàn Quốc sở hữu tên lửa bắn xa hơn

Mỹ cho phép Hàn Quốc sở hữu tên lửa bắn xa hơn
TP - Ngày 7-10, giới chức Mỹ thông báo Mỹ đã đồng ý cho Hàn Quốc sở hữu tên lửa có tầm bắn xa hơn hiện nay, có thể tấn công bất kỳ vị trí nào thuộc lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.

> Tên lửa Hàn Quốc tăng tầm bắn bao trùm lãnh thổ CHDCND Triều Tiên

Mô hình tên lửa Hàn Quốc tại Bảo tàng Chiến tranh Triều Tiên ở Seoul. Ảnh: Lee Jin-man
Mô hình tên lửa Hàn Quốc tại Bảo tàng Chiến tranh Triều Tiên ở Seoul. Ảnh: Lee Jin-man.

Theo thỏa thuận với Washington năm 2001, Hàn Quốc không được phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo có tầm bắn hơn 300km và lượng chất nổ đầu tên lửa quá 500kg, vì người ta lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Việc hạn chế này khiến năng lực tên lửa của Hàn Quốc thấp hơn của Triều Tiên và một số đơn vị quân sự chủ chốt ở Triều Tiên ngoài tầm bắn của tên lửa Hàn Quốc.

Hôm qua, Hàn Quốc thông báo, thỏa thuận năm 2001 đã được sửa đổi để cho phép Seoul sở hữu tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 800km, để nâng cao khả năng đối phó nguy cơ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

“Mục đích quan trọng nhất mà chính phủ chúng ta nhắm tới khi sửa đổi bản thỏa thuận tên lửa là chặn đứng sự khiêu khích vũ trang của Triều Tiên”, ông Chun Yung-woo, trợ lý an ninh của Tổng thống Hàn Quốc, nói với các phóng viên hôm 7-10 tại Seoul.

Theo thỏa thuận mới, Hàn Quốc sẽ tiếp tục bị giới hạn lượng chất nổ ở mức 500kg đối với tên lửa đạn đạo có tầm bắn 800km, nhưng sẽ được phép sử dụng lượng chất nổ lớn hơn đối với tên lửa có tầm bắn ngắn hơn. Lượng chất nổ càng lớn thì sức công phá của tên lửa càng mạnh.

Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ, ông George Little, nói rằng, hai bên đạt được thỏa thuận mới sau khi Hàn Quốc yêu cầu thảo luận phương cách đáp trả các hoạt động tên lửa của Triều Tiên.

“Những sửa đổi này là phản ứng cụ thể, tương xứng và thận trọng đối với nguy cơ tên lửa đạn đạo (của Triều Tiên)”, ông Little nói.

Máy bay không người lái sẽ được chở nhiều vũ khí hơn

Thỏa thuận mới cũng tăng trọng tải tối đa đối với máy bay không người lái (tầm bay hơn 300km) từ 500kg hiện nay lên 2,5 tấn.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì máy bay không người lái được trang bị các loại vũ khí dùng để tấn công, ông Chun nói. Với máy bay không người lái có tầm bay dưới 300km, trọng tải không bị hạn chế.

Ngày 7-10, Hải quân Ấn Độ bắn thử thành công Brahmos - tên lửa hành trình vượt đại dương có tầm bắn 290 km, có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 300kg. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Ấn Độ và Nga (có nhiều điểm giống hỏa tiễn chống hạm Yakhont của Nga). Brahmos bay nhanh gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh, có thể được phóng đi từ tàu nổi, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên cạn.

Hàn Quốc cũng có thể sở hữu tên lửa hành trình với tầm bắn không giới hạn, miễn là lượng chất nổ ở đầu tên lửa dưới 500kg.

Báo chí đưa tin, Hàn Quốc đã triển khai tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 1.000 km, nhưng các quan chức quốc phòng từ chối khẳng định thông tin này.

Tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp hơn và với tốc độ chậm hơn tên lửa đạn đạo, nên dễ bị đánh chặn hơn. Tuy nhiên, tên lửa hành trình bay đến mục tiêu với độ chính xác cao hơn.

Truyền thông nhà nước của Triều Tiên chưa có phản ứng đối với tuyên bố của Mỹ và Hàn Quốc về thỏa thuận tên lửa sửa đổi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, họ sẽ ra một tuyên bố cứng rắn.

“Triều Tiên sẽ nói rằng việc phát triển tên lửa của Hàn Quốc là chuẩn bị cho chiến tranh. Triều Tiên có thể sẽ cảnh cáo Hàn Quốc rằng, nước này không thể tránh được một thảm họa hạt nhân nếu tấn công các cơ sở tên lửa của Triều Tiên”, nhà phân tích Baek Seung-joo của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định.

Triều Tiên có tên lửa có thể bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Guam (lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương), theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Hồi tháng 4, Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa khiến Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nước khác phản đối, cho rằng đây là vụ thử công nghệ tên lửa tầm xa trá hình.

Bình Nhưỡng nói rằng, họ phóng tên lửa để đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Quả tên lửa này nổ tung và rơi xuống biển ngay sau khi rời bệ phóng.

Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân năm 2006 và 2009, nhưng các chuyên gia cho rằng, nước này chưa làm chủ được công nghệ để gắn vũ khí hạt nhân vào tên lửa.

Bán đảo Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh, vì Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 chấm dứt bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Mỹ hiện có khoảng 28.500 quân đồn trú ở Triều Tiên.

Minh Long
Theo AP,Yonhap, PTI

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG