Mỹ có thể điều tra 4 ông lớn công nghệ

Tòa nhà Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington D.C ảnh: wiki
Tòa nhà Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington D.C ảnh: wiki
TP - Chính phủ Mỹ đang xúc tiến các bước điều tra liệu các đại công ty công nghệ như Amazon, Apple, Facebook  và Google có lạm dụng vị thế thị trường to lớn của họ, các nguồn tin cho Reuters biết hôm qua.

Đây được coi là vụ điều tra rộng khắp chưa hề có tiền lệ nhằm vào một vài công ty thuộc hàng lớn nhất thế giới.

 Ủy ban Thương mại liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ, hai cơ quan thực thi luật chống độc quyền ở Mỹ, đã chia nhau giám sát 4 công ty nói trên, hai nguồn tin nói. Theo họ, Ủy ban Thương mại liên bang sẽ chịu trách nhiệm về Amazon và Facebook trong khi Bộ Tư pháp sẽ giám sát hai công ty còn lại.

Với hai cơ quan có thẩm quyền trong vụ việc, bước tiếp theo đối với họ là quyết định có mở một cuộc điều tra chính thức hay không. Kết quả điều tra nhiều khả năng sẽ không thể có sớm. Một cuộc điều tra trước đó của Ủy ban Thương mại liên bang đối với công ty Google đã kéo dài tới hơn hai năm.

Các công ty công nghệ lớn đã phải đối mặt với làn sóng phản đối tại nước Mỹ và trên khắp thế giới, từ các đối thủ cạnh tranh, giới lập pháp, các nhóm đại diện người tiêu dùng. Họ cho rằng các công ty này có quá nhiều quyền lực và đang gây hại người tiêu dùng và các đối thủ thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty mạng xã hội và Google, cáo buộc họ áp chế các tiếng nói khác biệt trên mạng và không đưa ra bằng chứng chứng minh việc làm của họ là đúng đắn.

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích công ty Amazon lợi dụng vị thế của Dịch vụ Bưu điện Mỹ. Ông cũng thường xuyên chĩa mũi dùi nhằm vào nhà điều hành Amazon, tỷ phú Jeff Bezos, người sở hữu tờ Washington Post thường xuyên chỉ trích tổng thống Trump.

Các nhà lập pháp của cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều ủng hộ việc điều tra các công ty công nghệ lớn.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Lindsey Graham, thành viên đảng Cộng hòa, nói với Reuters rằng mô hình kinh doanh của các công ty như Google và Facebook cần được xem xét kỹ lưỡng. “Họ có quá nhiều quyền lực và gần như không bị điều chỉnh bằng luật”, ông nói. Một người khác cũng của đảng Cộng hòa, thượng nghị sỹ Marsha Blackburn, nói các cơ quan chức năng cần phải, như lời bà nói “lặn sâu” vào các công ty công nghệ lớn.

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Richard Blumenthal cũng có cùng ý kiến. “Sức mạnh chế áp của họ đối với cộng đồng cần phải được giám sát nghiêm ngặt. Nên tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền”, vị nghị sỹ bang Connecticut viết trên Twitter.

Trong khi đó, Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã mở cuộc điều tra của riêng mình về vấn đề cạnh tranh trong thị trường công nghệ số và cả thành viên đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ tại Hạ viện đều bày tỏ lo ngại về sức mạnh của những gã khổng lồ công nghệ.

Một số thông tin xuất hiện từ hôm thứ Sáu tuần trước nói Bộ Tư pháp Mỹ đã xây dựng một số cơ sở nền tảng để tiến hành điều tra đối với Google nhằm xác định liệu nền tảng quảng cáo online lớn nhất thế giới có sử dụng quy mô của họ để bóp nghẹt các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn, vi phạm luật cạnh tranh công bằng. Hôm qua, công ty Google từ chối đưa ra bình luận.

Washington Post, tờ báo của tỷ phú Bezos hôm thứ Bảy nói Amazon sẽ đáp ứng Ủy ban Thương mại liên bang trong mọi cuộc điều tra. Hôm qua, công ty này cũng từ chối bình luận, kể cả Apple và Facebook.

 Mặc dù bốn công ty công nghệ nói trên, mỗi công ty trị giá hàng trăm tỷ USD, bị cả thế giới săm soi, từ các nhà quản lý đến giới lập pháp, chưa rõ Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại liên bang sẽ tập  trung vào vấn đề gì.

Amazon, công ty bán lẻ trên mạng lớn nhất thế giới, đã bị chỉ trích vì “gây hại” cho đối tượng bán hàng bên thứ ba trên website của họ. Những người này phải trả tiền quảng cáo để cạnh tranh với các thương hiệu bán lẻ do chính Amazon đẻ ra.

Facebook bị cho là đã cho phép các nội dung “tin giả” tung hoành trên mạng xã hội của mình. Google bị cáo buộc sử dụng vị thế thống lĩnh để đưa người dùng tới với các thông tin sản phẩm của họ, gây hại cho các đối thủ cạnh tranh.

MỚI - NÓNG