Mỹ có thể sắp bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam

Tàu khu trục Mỹ USS Lassen trên biển Đông. Ảnh: US Navy
Tàu khu trục Mỹ USS Lassen trên biển Đông. Ảnh: US Navy
TP - Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) vừa dẫn các nguồn tin nói rằng, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama sang Việt Nam cuối tháng 5, Mỹ có thể tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 10/2014. Các nhà lãnh đạo Việt Nam nhiều lần đề nghị Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận này. Khi Tổng thống Barack Obama chuẩn bị thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á vào tháng tới, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này “đang được bàn bạc” giữa hai bên, Diplomat dẫn một nguồn tin từ Việt Nam.

Các quan chức Mỹ và Việt Nam luôn khẳng định, dù lệnh cấm được dỡ bỏ, những hợp đồng quốc phòng lớn có thể còn lâu nữa mới được ký kết, vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Dù việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đã dẫn đến việc Mỹ thông báo cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam để tăng cường nhận thức và an ninh biển, nhưng bài viết trên Diplomat cho rằng, tiến bộ trong những lĩnh vực khác, như Sáng kiến An ninh hàng hải mới mà Washington thông báo gần đây, sẽ diễn ra chậm.

Ngoài luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí của Mỹ, Bộ Ngoại giao nước này cũng phải thông báo cho Quốc hội về bất kỳ hợp đồng chuyển giao vũ khí nào đáp ứng được ngưỡng phù hợp sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ. Vì thế, nếu lệnh cấm được dỡ bỏ hoàn toàn nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama thì đây sẽ được coi là mang tính chất lịch sử trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ và quan hệ đối tác toàn diện nói chung. Các lãnh đạo Việt Nam vẫn nói rằng, việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này sẽ là minh chứng rõ ràng cho quan hệ song phương được bình thường hóa hoàn toàn.

Thời điểm công bố quyết định này cũng được coi là đáng chú ý nếu diễn ra vào lúc ông Obama sang Việt Nam. Diplomat dẫn lời một quan chức Việt Nam nói rằng, bước đi này diễn ra trong năm chuyển đổi lãnh đạo của cả hai nước, khi Việt Nam vừa có ban lãnh đạo mới và Mỹ sẽ có bầu cử tổng thống vào tháng 11. Nó cũng diễn ra vào một mùa hè bận rộn trên biển Đông, đặc biệt khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện chống lại Trung Quốc mà Phillippines đệ đơn.

Mỹ hoãn tuần tra bằng tàu trên biển Đông

Báo Mỹ Wall Street Journal vừa dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ nói rằng, Washington hoãn một đợt tuần tra tự do hàng hải trên biển Đông như kế hoạch hạ nhiệt biển Đông, nhưng vẫn tuần tra trên không gần bãi cạn Scarborough nhằm thể hiện sự phản đối Trung Quốc trước khả năng Bắc Kinh tăng cường hoạt động trên bãi cạn đang tranh chấp quyết liệt với Philippines. 

Chưa rõ hoàn cảnh cụ thể dẫn đến việc hoãn này là gì, nhưng có khả năng Mỹ muốn quản lý quan hệ ngoại giao đang xấu đi với Trung Quốc vì vấn đề biển Đông. Thay vào đó, chính quyền của ông Obama chọn cách thể hiện sự ủng hộ với Philippines, thể hiện rõ nhất trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đến Philippines tuần trước.

Một lý khác có thể là mối quan ngại ngày càng lớn của Mỹ rằng, Trung Quốc có thể sớm bắt đầu các hoạt động bồi đắp, cải tạo ở Scarborough. Sau khi hoãn tuần tra tự do hàng hải, Washington chuyển sang tập trung vào “ba đợt tuần tra trên không khác nhau gần Scarborough trong những ngày gần đây”, Wall Street Journal đưa tin. Các chiến đấu cơ A-10 Thunderbolt và trực thăng HH-60 Pave Hawk được triển khai từ căn cứ không quân Clark của Philippines.

Việc hoãn tuần tra tự do hàng hải có vẻ đi ngược lại cam kết trước đó của các quan chức Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Carter, rằng những hoạt động tuần tra bằng tàu sẽ diễn ra thường xuyên trên biển Đông. Bước đi này cũng cho thấy căng thẳng giữa Lầu Năm Góc và Nhà Trắng về cái giá mà Mỹ sẵn sàng trả trên biển Đông so với quan hệ tổng thể với Trung Quốc.

Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về các chuyến tuần tra trên không của Mỹ gần Scarborough cũng nhẹ nhàng bất ngờ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuần này nói rằng “không có gì lạ khi các máy bay bay ở vùng trời gần đảo Hoàng Nham (Scarborough)”, Xinhua đưa tin. 

ASEAN cần đồng thuận trong vấn đề biển Đông

Ngày 26/4, tại cuộc gặp không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Đại tướng Sergey Shoigu với các trưởng đoàn quân sự 10 nước ASEAN tham dự Hội nghị An ninh quốc tế Mátxcơva lần thứ 5, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch có bài phát biểu, trong đó khẳng định Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của Nga trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương. Việc Bộ Quốc phòng Nga chủ động tổ chức cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga với trưởng đoàn quân sự các nước ASEAN cho thấy mong muốn của Nga tăng cường thúc đẩy quan hệ với ASEAN. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam cam kết tăng cường hợp tác với Nga qua kênh hợp tác song phương và đa phương, trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hai bên cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bên lề Hội nghị An ninh quốc tế Mátxcơva lần thứ 5, sáng 26/4, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có cuộc gặp song phương với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan - Đại tướng Prawit Wongsuwan. Về vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nói rằng các nước ASEAN cần có tiếng nói đồng thuận trong vấn đề này, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng của của các bên ở biển Đông, tiến tới đạt được Quy tắc ứng xử trên biển Đông. Chiều 26/4, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen.

TTXVN

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.