Mỹ: Cơn bão suy thoái vẫn chưa tan

Mỹ: Cơn bão suy thoái vẫn chưa tan
TPO - Suy thoái kinh tế Mỹ đã dịu lại nhưng vẫn chưa chạm đáy – là nhận định của đông đảo các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới. Điều này đồng nghĩa với tỉ lệ thất nghiệp còn gia tăng và thị trường tiếp tục ảm đạm trong thời gian ngắn tới.

Ngành kinh doanh bất động sản Mỹ đã bắt đầu khởi sắc từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, do tốc độ phục hồi còn quá chậm và xuất phát từ mức thấp kỉ lục đã gây khó khăn cho việc dự báo về sự trở lại của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.

Cũng trong tháng 2, doanh số bán hàng và đơn đặt hàng tại các nhà máy đã tăng nhẹ lần đầu tiên kể từ tháng 7 năm ngoái.

Trong nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy thoái, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã thực hiện cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng 0. Bên cạnh đó, tân tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá tới 787 tỉ đôla vào tháng 2. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của những hoạt động này cho tới giờ vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Tỉ lệ thất nghiệp cao kỉ lục

Theo ước tính, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng từ 8,1% trong tháng 2 lên đến 8,5% vào tháng 3 vừa qua.

Số liệu cụ thể cho thấy, đã có thêm khoảng 660.000 nhân công bị mất việc làm, nâng tổng số người bị mất việc từ đầu cuộc suy thoái lên 5 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 3 đã đạt mức kỉ lục trong vòng 25 năm qua. Đồng thời, với sự suy giảm trầm trọng của ngành công nghiệp chế tạo, ngành kinh doanh bất động sản và tốc độ tăng trưởng âm liên tiếp trong 4 tháng gần đây, cuộc suy thoái kinh tế lần này được đánh giá là dài nhất và ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với nước Mỹ trong vòng 7 thập niên vừa qua.

Các nhà máy, doanh nghiệp và công ty đang thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân công, giảm chi tiêu và hoạt động sản xuất. Đây là một phản ứng hoàn toàn “có lý” khi doanh số bán hàng trong nước và ngoài nước Mỹ liên tục trượt giảm trong suốt thời gian qua.

Mark Vitner, một chuyên gia kinh tế cao cấp của tập đoàn Wachovia, Bắc Carolina (Mỹ) đánh giá: “Đây là cuộc khủng hoảng diễn ra trên diện rộng và có tác động sâu sắc nhất đối với nước Mỹ cũng như thế giới trong thời kì hậu chiến. Hậu quả nghiêm trọng nhất là ngành công nghiệp chế tạo đang thực sự chao đảo”.

Những dấu hiệu suy thoái của ngành công nghiệp chế tạo được biểu hiện đầu tiên ở ngành công nghiệp sản xuất ô tô, sau đó lan sang các ngành khác như máy tính, dệt may, hóa học …

Ngành dịch vụ với sự góp mặt của 90% lực lượng lao động có thể tiếp tục bị thu hẹp. Diễn biến này kéo theo hệ quả tất yếu là sẽ có thêm một lượng đáng kể nhân công nữa bị mất việc làm.

“Chưa thoát đáy”

Mặc dù các báo cáo gần đây cho thấy những dấu hiệu khả quan trong giao dịch thiết bị, bất động sản và hàng hóa bán lẻ song hầu hết các nhà phân tích cùng có chung nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa thoát đáy.

Robert Dye, một chuyên gia kinh tế cao cấp của PNC Fiancial Services nói: “Chúng ta đã có thể nhận thấy những dấu hiệu đáng mừng đầu tiên ở lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để kinh tế Mỹ ra khỏi đáy vào thời điểm hiện tại”.

Bất động sản là vấn đề trọng tâm của khủng hoảng kinh tế. Vì thế, việc bình ổn ngành này sẽ là kế sách hàng đầu nhằm “đảo chiều” cả nền kinh tế.

Cùng chung quan điểm với ông Dye cho rằng khủng hoảng kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát đáy, song ông Michael Darda – chuyên gia kinh tế cao cấp của MKM Partners còn đưa ra dự đoán: “Rất có thể chúng ta sẽ được chứng kiến một bước ngoặt trong chu kì kinh doanh vào mùa hè hoặc mùa thu năm nay”.

Nếu ngành kinh doanh bất động sản đang ở dưới đáy thì có khả năng giá bất động sản xuống mức thấp nhất vào năm nay. Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng sẽ được đẩy lùi trước năm 2010.

Không đồng tình với nhận định trên, Robert Dye cho biết: “Chúng tôi không nhận thấy bất kì một sự hỗ trợ nào từ phía các đối tác thương mại. Bên cạnh đó, những tổn thất trên thị trường xuất khẩu vẫn là một sức cản trong lĩnh vực sản xuất. Tôi không nghĩ là chúng ta có thể thoát đáy vào mùa hè này. Kết quả GDP quý 3 nói lên điều đó”.

Trước đó, vào hồi cuối tháng 2, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã từng phát biểu trước báo chí: “Theo quan điểm của tôi, cuộc suy thoái sẽ kết thúc trong năm nay (2009), và 2010 sẽ là năm phục hồi nền kinh tế quốc dân”.

Thu Thảo
Theo Bloomberge/Reuters

MỚI - NÓNG