Mỹ đang 'bao vây' Trung Quốc như thế nào?

Mỹ đang 'bao vây' Trung Quốc như thế nào?
TP - Quân đội Mỹ đang bao vây Trung Quốc bằng một chuỗi căn cứ không quân và quân cảng, mà gần đây nhất là căn cứ quân sự trên đảo Saipan ở Thái Bình Dương, tạp chí Mỹ Foreign Policy (Chính sách Đối ngoại) dẫn lời các tướng lĩnh và chuyên gia Mỹ.

> 'Tác chiến không-biển có thể châm ngòi chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung'
> Mỹ bao vây Trung Quốc thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong cuộc họp báo chung hôm 20/8. Ảnh: Foreign Policy
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong cuộc họp báo chung hôm 20/8. Ảnh: Foreign Policy.

Không quân Mỹ có kế hoạch thuê 33 mẫu đất trên đảo Saipan trong 50 năm tới để xây dựng sân bay trung chuyển trên một căn cứ không quân từ thời Thế chiến thứ 2.

Chiến lược “Trận đánh trên không - trên biển”

Chiến lược mới của Lầu Năm Góc cho thế kỷ 21 được gọi là Air-Sea Battle (Trận đánh trên không- trên biển), khái niệm chỉ sự kết hợp giữa không quân và hải quân để khoan thủng hàng phòng thủ ngày càng vững chắc của các quốc gia như Trung Quốc, Iran... Nghe như chiến lược vô định hình, và sự thật là Air-Sea Battle vẫn trong giai đoạn ý tưởng. Nhưng một phần của khái niệm này đã được hiện thực hóa trên Thái Bình Dương.

Saipan sẽ được sử dụng cho máy bay phản lực của Mỹ trong trường hợp khả năng tiếp cận tới siêu căn cứ ở đảo Guam “hay các phi trường ở Tây Thái Bình Dương bị giới hạn hoặc bị từ chối”, theo một tài liệu của Không quân Mỹ bàn về tác động của việc xây dựng sân bay ở Saipan và đảo Tinian đối với môi trường.

Một phần quan trọng của Air-Sea Battle là quân đội Mỹ phải có mặt trên các căn cứ nhỏ trên Thái Bình Dương, để các lực lượng có thể được phân tán trong trường hợp căn cứ chính bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc tấn công.

Không quân Mỹ muốn mở rộng sân bay quốc tế Saipan hiện nay (sân bay được xây dựng trên nền của căn cứ từ Thế chiến 2 do quân đội Nhật Bản rồi sau đó là Mỹ sử dụng) để có thể tiếp nhận hàng hóa, máy bay chiến đấu và máy bay tiếp nhiên liệu cùng 700 nhân viên hỗ trợ cho việc “đổ bộ chuyển hướng định kỳ, tập trận chung, các hoạt động kết hợp cứu hộ thiên tai và trợ giúp nhân đạo”, tài liệu của Không quân Mỹ viết.

Điều này nghĩa là sân bay tên Saipan sẽ được xây thêm bãi đỗ, hầm chứa, thùng dự trữ nhiên liệu và kho chứa đạn dược kèm theo nhiều nâng cấp khác, chứ không chỉ là cải tạo đơn giản.

Ngoài dự án ở Saipan, Không quân Mỹ có kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu thường xuyên tới các căn cứ trải dài từ Úc tới Ấn Độ để tăng cường lực lượng trên Thái Bình Dương.

Dải căn cứ này bao gồm căn cứ của Không quân hoàng gia Úc ở thành phố Darwin và Tindal, căn cứ không quân Đông Changi của Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, căn cứ Trivandrum ở Ấn Độ, và có thể gồm cả các căn cứ ở Cubi Point và Puerto Princesa ở Philippines, căn cứ ở Indonesia và Malaysia, một tướng không quân Mỹ tiết lộ tháng trước.

Tiếp tục kế sách “Cờ ca-rô”

Thông báo về kế hoạch Saipan được đưa ra trong thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn, sang thăm Washington và hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Trong cuộc họp báo chung của hai bộ trưởng quốc phòng hôm 20/8, ông Thường nói: “Chúng tôi hy vọng chiến lược của Mỹ (chuyển trọng tâm sang châu Á) không nhằm vào quốc gia cụ thể nào trong khu vực”.

Quân đội Mỹ khẳng định rằng, Air-Sea Battle và chính sách chuyển trục sang châu Á không nhằm vào Trung Quốc, nhưng các căn cứ nói trên thực sự là nhằm đề phòng sự bành trướng của Trung Quốc trên Thái Bình Dương trong tương lai, theo chuyên gia Anthony Cordesman ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược.

“Trung Quốc sẽ phải cẩn thận khi hành động trong khu vực vì sức mạnh của Mỹ đã hiện diện tại đó, rất rõ ràng. Không phải chúng ta đang nói về lý thuyết, mà sự thực đã hiện hữu”, ông Cordesman nói.

Tướng Herbert Carlisle, chỉ huy các cơ sở của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, nói rằng, Mỹ đang có kế hoạch vận hành các máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom trên khắp nam Thái Bình Dương và Tây Nam Á.

Giống các căn cứ ở Tinian và Saipan, những cơ sở này sẽ không phải là nơi đồn trú lâu dài của đơn vị cố định nào, theo các tướng lính Mỹ. Thay vào đó, các địa điểm này sẽ đón các đơn vị của Mỹ đóng tại Mỹ và bắc Thái Bình Dương đến thăm thường xuyên.

“Chúng tôi sẽ không xây thêm căn cứ ở Thái Bình Dương” để Không quân Mỹ tăng cường hiện diện, ông Carlisle nói. Xét về mặt kỹ thuật, vị tướng này nói sự thật: Không có căn cứ mới nào, chỉ là sự mở rộng những sân bay cũ và xây lại các cơ sở bị bỏ hoang giống như ở Saipan và Tinian.

Trên thực tế, một trong những căn cứ đang được Hải quân Mỹ xây lại ở Tinian chính là nơi chiếc máy bay ném bom B-29 Enola Gay cất cánh để thực hiện nhiệm vụ thả quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Các sân bay được tân trang gợi lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi các đơn vị của Mỹ lượn ra lượn vào châu Âu để dọa dẫm Liên Xô. Để chống lại kẻ thù mới, Không quân Mỹ sẽ liên tục triển khai lực lượng tại Mỹ và bắc Thái Bình Dương tới dải căn cứ không quân ở Đông Nam Á.

“Trong thời Chiến tranh Lạnh, chúng tôi có chiến lược mang tên Cờ ca-rô, nghĩa là chúng tôi luân chuyển hai năm một lần hầu như tất cả các đơn vị CONUS (Mỹ lục địa) tới châu Âu. Chúng tôi đang dùng phương pháp đó ở Thái Bình Dương”, ông Carlisle nói.

Sự phân tán này không chỉ giúp Mỹ tránh cho máy bay của mình khỏi bị tiêu diệt, mà còn là cách để “xây dựng quan hệ với các đối tác ở khu vực”, ông Jan Van Tol ở Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, đánh giá.

Ông là chuyên gia đã giúp Lầu Năm Góc xây dựng khái niệm Air-Sea Battle. “Mỹ cần xây dựng khả năng tương tác, mối quan hệ và kinh nghiệm ở thực tế khu vực, nơi Mỹ có thể phải chiến đấu”, ông Van Tol nói.

TRÚC QUỲNH
Theo Foreign Policy

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).