Mỹ đau đầu với hội chứng cựu binh tự sát

Mỹ đau đầu với hội chứng cựu binh tự sát
TP - Từ năm 2004 đến nay, tình trạng binh sĩ tự sát đã trở thành một vấn đề lớn gây đau đầu Lầu Năm Góc và cả Chính phủ Mỹ. Nghiêm trọng hơn, số lính đã xuất ngũ tự sát còn lớn hơn nhiều so với những người đang tại ngũ.
Mỹ đau đầu với hội chứng cựu binh tự sát ảnh 1
Những hình ảnh về cuộc chiến luôn ám ảnh cựu binh Mỹ

Số liệu thống kê do Chính phủ Mỹ công bố mới đây cho thấy, hội chứng tự sát đang lan mạnh trong những lính trẻ xuất ngũ. Theo số liệu từ Bộ Các công việc về lính xuất ngũ, căn cứ kết quả điều tra trong 16 bang, tỷ lệ lính xuất ngũ trong độ tuổi từ 18 – 29 tự sát từ năm 2005 đến nay đã tăng 26%.  Đa số những người tự sát đều đã trải qua cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.

Trong số hơn 3 vạn người Mỹ tự sát mỗi năm hiện nay, có khoảng 20% là lính xuất ngũ. Tại cuộc hội thảo về đối phó với vấn nạn tự sát trong quân đội tổ chức tại Washington đầu tháng 1 vừa qua, ông Erick Simseki, Bộ trưởng Bộ Các công việc về lính xuất ngũ bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều phương án giúp đỡ những người có khuynh hướng tự sát.

Trên thực tế, tình trạng cựu binh tự sát dường như đã nghiêm trọng hơn nhiều. Hồi tháng 7/2009, công ty nghiên cứu nổi tiếng Rand của Mỹ công bố số liệu điều tra cho thấy: Cứ 5 lính Mỹ từ chiến trường Iraq và Afghanistan trở về thì có 1 người mắc hội chứng chiến tranh.

Chỉ trong một năm đã có hơn 22 ngàn người gọi điện tới Đường dây nóng tự sát do chính phủ lập ra để xin tư vấn tâm lý, trong đó có 1.221 đã từ bỏ ý định tự sát sau khi được nghe tư vấn.

Hội chứng vết thương chiến tranh là tên một căn bệnh thần kinh xuất hiện ở những lính chiến đã bị thương, đã chứng kiến người khác chết, bị thương. Biểu hiện của nó là mất ngủ, trầm uất, dễ nổi giận không tập trung được, quá cảnh giác, dễ sợ hãi...

Những người mắc hội chứng này trong đầu luôn xuất hiện những hình ảnh gây sợ hãi như những cuốn phim được chiếu lại. Từ 2003 đến nay đã có hơn 40 ngàn lính Mỹ bị mắc hội chứng này và số người mắc mỗi năm một nhiều từ 1.632 ca (năm 2006) lên đến 13.981 ca (năm 2007), trong đó lính thủy đánh bộ và lục quân chiếm đông nhất. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, con số thực tế còn lớn hơn vì nhiều người giấu bệnh.

Một kết quả nghiên cứu của Đại học bang Maryland cho thấy, những người mắc hội chứng vết thương chiến tranh rất dễ tự sát, điều này giải thích vì sao số lính xuất ngũ tự sát cao gấp 3 lần tỷ lệ tự sát ở nam thanh niên cùng độ tuổi.

Thu Hoa
Theo Tân Hoa

MỚI - NÓNG