Mỹ: Đi lại tại biển Đông không phải hành động khiêu khích

Trung Quốc đã bồi lấp đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3km và các công trình kiên cố (tổ hợp xây dựng mới có quy mô tương đương Lầu Năm Góc). Ảnh: CSIS
Trung Quốc đã bồi lấp đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3km và các công trình kiên cố (tổ hợp xây dựng mới có quy mô tương đương Lầu Năm Góc). Ảnh: CSIS
TP - Không thể coi việc tàu hải quân Mỹ đi qua vùng biển quốc tế ở biển Đông là hành động khiêu khích, Reuters ngày 15/10 dẫn lời một tướng hải quân Mỹ.

"Không có gì ngạc nhiên rằng, chúng tôi sẽ thực thi tự do hàng hải ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Tôi không thấy việc này có thể được diễn giải như hành động khiêu khích”, Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson phát biểu với báo giới tại Tokyo. Ông Richardson đang có mặt tại Nhật Bản trong chuyến công du châu Á và châu Âu trong 12 ngày. Mỹ tuyên bố, luật pháp quốc tế cấm đòi hỏi chủ quyền xung quanh các đảo nhân tạo xây dựng trên các bãi đá trước đó.

Ngày 14/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói rằng, Trung Quốc tôn trọng an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, nhưng “cực lực phản đối bất cứ nước nào gây tổn hại chủ quyền lãnh thổ và an ninh của nước khác nhân danh tự do hàng hải và hàng không”.

Báo Trung Quốc Global Times viết: “Trung Quốc tuyệt đối không cho phép chiến hạm và máy bay Mỹ liều lĩnh tiến gần các đảo và bãi đá thuộc chủ quyền của Trung Quốc cũng như không phận bên trên, thách thức giới hạn cuối cùng của Trung Quốc”. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa này hăm dọa: “Nếu phía Mỹ công khai và liên tục tiến vào phạm vi 12 hải lý cũng như không phận các đảo của Trung Quốc, cần thiết phải có sự phản công quyết liệt”.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Mỹ đã sẵn sàng quyết định thực thi hoạt động tự do hàng hải bên trong phạm vi 12 hải lý Trung Quốc yêu sách chủ quyền xung quanh các đảo nước này xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa trên biển Đông. Ngày 14/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố, quân đội Mỹ sẽ di chuyển trên biển và bay ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Tập trận hải quân chung

Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận hải quân Malabar từ ngày 14 đến 19/10 tại vịnh Bengal, báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua đưa tin. Từ nay, ba nước sẽ tập trận hải quân chung thường niên. Động thái này khiến Bắc Kinh lo ngại đây là kiểu liên minh như NATO ở châu Âu. Điểm mới là Nhật Bản từ nay sẽ thường xuyên tham gia cuộc tập trận với tư cách thành viên chứ không phải khách mời như trước.

Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), Mỹ triển khai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, một tàu ngầm tấn công Los Angeles chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth và một tàu khu trục lớp Ticonderoga tham gia cuộc tập trận. Ấn Độ điều động khu trục hạm lớp Rajput, tàu hộ vệ Brahmaputra và Shivalik, tàu ngầm cùng nhiều tàu chiến. Mỹ và Ấn Độ mỗi nước điều một máy bay do thám trên biển P-8.

Trong khi đó, Nhật Bản điều tàu khu trục Fuyuzuki lớp Akizuki tham gia tập trận. Đây là lớp chiến hạm tiên tiến được mệnh danh là “Aegis Nhật Bản”, có thêm trực thăng H-60 và trực thăng săn ngầm Sikorsky S-70. Cuộc tập trận Malabar sẽ bao gồm tập trận chống ngầm, chống tàu nổi và phòng không, theo báo Ấn Độ Business Standard.

Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư về nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), nói rằng, Úc và một số nước Đông Nam Á có ý muốn tham gia tập trận Malabar. Việc Mỹ và Ấn Độ quyết định mở rộng quy mô Malabar bằng cách mời thêm Nhật Bản tham gia diễn ra chỉ vài ngày sau khi một quan chức Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang cân nhắc điều tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở biển Đông.

Ấn Độ Dương là tuyến hàng hải chủ yếu của cả Nhật Bản và Mỹ; gần đây, Trung Quốc tăng cường hiện diện tại khu vực này dưới cái gọi  là chiến lược “chuỗi hạt trai”, đầu tư vào một loạt quốc gia dọc Ấn Độ Dương. Ấn Độ có cùng quan điểm với Mỹ, kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải trong khu vực.

Các kịch bản xung đột

Hãng tin Nhật Bản Kyodo vừa nêu 2 kịch bản xung đột liên quan Trung Quốc, Úc và Mỹ tại biển Đông. Trong kịch bản thứ nhất, một chiến hạm Nhật Bản đánh chìm một tàu ngầm Trung Quốc, sau khi tàu này phát động tấn công nhằm vào các tàu chiến Mỹ trong một cuộc diễn tập hải quân chung giữa hải quân Mỹ, Nhật Bản và Úc. Ở kịch bản thứ hai, Trung Quốc chịu sức ép lớn của Mỹ về việc phải chấm dứt chương trình bồi lấp, xây đảo nhân tạo ở biển Đông. Quân đội Trung Quốc sau đó phát động tấn công chống các lực lượng Mỹ, gây ra xung đột hải quân trong khu vực. Theo mệnh lệnh của Mỹ, các chiến hạm Nhật Bản được triển khai tại khu vực để cung cấp hậu cần hỗ trợ. Nhật Bản cũng điều các máy bay tiếp dầu tới không phận biển Đông để tiếp liệu cho các chiến đấu cơ Mỹ. Kyodo cho rằng, Nhật Bản sẽ tham chiến nếu Trung Quốc và Mỹ bùng nổ chiến tranh ở biển Đông. Kyodo cũng nêu kịch bản thứ ba, liên quan việc Nhật Bản chạm trán CHDCND Triều Tiên.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.