Mỹ dọa rút khỏi INF: Nga lo Washington lặp lại kịch bản năm 2001

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải). Ảnh: Getty
TPO - Việc Washington rút khỏi Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) với Moscow sẽ là đòn giáng mạnh đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, theo ông Alexey Pushkov - Chủ tịch Ủy ban phụ trách Chính sách Thông tin của Hội đồng Liên bang Nga.

Chia sẻ trên Twitter sáng nay, 21/10, ông Alexey Pushkov cho biết: “Nếu Mỹ rút khỏi hiệp ước INF với Nga, thì đây sẽ là đòn giáng thứ 2 dội xuống sự ổn định chiến lược toàn cầu. Đòn giáng đầu tiên là khi Mỹ rời khỏi Hiệp ước Tên lửa chống đạn (ABM) hồi năm 2001. Một lần nữa, Mỹ lại bắt đầu rút khỏi các hiệp ước.”

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi hiệp ước INF vì Nga đang vi phạm các điều khoản của hiệp ước này.

Ông đồng thời không loại trừ khả năng ký một hiệp ước khác về vũ khí hạt nhân tầm trung với Moscow và Bắc Kinh nếu Nga và Trung Quốc đảm bảo ngừng sản xuất các loại vũ khí này.

Mỹ lần đầu cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của hiệp ước INF hồi tháng 7/2014. Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc tương tự, và bày tỏ lo ngại về sự tuân thủ hiệp ước của Mỹ.

Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô kí kết vào ngày 8/12/1987 tại Washington. 

Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500 km).

Không chỉ rời bỏ INF, chính quyền Tổng thống Trump còn có khả năng sẽ không đồng ý gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START), được ký giữa Nga và Mỹ vào năm 2010, một quan chức cao cấp của Washington tiết lộ với một nhóm phóng viên hôm 19/10.

Hiệp ước START mới có hiệu lực vào năm 2011 và sẽ hết hạn vào năm 2021 nếu không được thay thể bằng một thỏa thuận khác.

Hiệp ước có thể được gia hạn trong 5 năm cho đến năm 2026.

Theo hiệp ước, Nga và Mỹ đồng ý mỗi bên không sở hữu quá 800 vũ khí bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước cũng giới hạn số đầu đạn hạt nhân được triển khai là 1.550 mỗi bên, đồng thời yêu cầu Washington và Moscow trao đổi thông tin về kho vũ khí hạt nhân của mình.

Theo Theo Tass
MỚI - NÓNG