Mỹ đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ trước ICBM của Triều Tiên?

Sự tiến bộ trong phát triển tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng đe dọa đến Mỹ. Ảnh: KCNA
Sự tiến bộ trong phát triển tên lửa của Triều Tiên đang ngày càng đe dọa đến Mỹ. Ảnh: KCNA
TPO - Lầu Năm Góc tuyên bố quân đội Mỹ có thể bảo vệ đất nước khỏi mối đe dọa ngày càng tăng sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ vẻ nghi ngờ năng lực của Washington.

Hệ thống phòng thủ của Mỹ có ngăn được Triều Tiên?

Theo Reuters, cuộc thử nghiệm ICBM đầu tiên, mà như tuyên bố có khả năng tấn công vào bang Alaska, của Triều Tiên hôm 7/4 đặt ra câu hỏi về khả năng phòng thủ của Mỹ trước mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng từ nửa phía Bắc Bán đảo Triều Tiên.

Trong một cuộc họp báo ngày thứ Tư (5/7), người phát ngôn Lầu Năm Góc Đại úy Jeff Davis tuyên bố: “Chúng tôi tin tưởng vào khả năng của chúng tôi để bảo vệ đất nước chống lại mối đe dọa có giới hạn, mối đe dọa mới hình thành ở đó (chỉ Triều Tiên)”.

Ông Davis còn nhắc lại cuộc thử nghiệm hồi tháng 5, trong đó máy bay đánh chặn tên lửa của Mỹ đã đánh bại mô phỏng tên lửa ICBM của Triều Tiên. Tuy vậy, ông thừa nhận, chương trình theo dõi chương trình thử nghiệm không hoàn hảo.

“Chúng tôi nhận được nhiều kết quả khác nhau, nhưng chúng tôi cũng có khả năng bắn nhiều hơn một máy bay đánh chặn”, ông Davis tiết lộ.

Thông tin nội bộ của Reuters cũng cho thấy, Lầu Năm Góc đã nâng cấp hệ thống đánh giá đối với năng lực phòng thủ của Mỹ sau cuộc thử nghiệm hồi tháng 5.

Mỹ đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ trước ICBM của Triều Tiên? ảnh 1 Tên lửa được cho là ICBM Hwasong-14 trong cuộc thử nghiệm ngày 4/7 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA

Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, mặc dù chi hàng trăm tỷ USD cho một hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, Mỹ có thể không khống chế hoàn toàn một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa từ Bình Nhưỡng.

Các chuyên gia cảnh báo, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể bắn hạ một hoặc một số lượng nhỏ tên lửa cơ bản. Trong khi, công nghệ và trình độ sản xuất của Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển, có thể khiến Mỹ bị choáng ngợp trừ khi họ bắt kịp mối đe dọa này.

“Trong bốn năm tới, Mỹ phải tăng cường năng lực hiện tại của các hệ thống đánh chặn, phải đẩy mạnh việc triển khai nhanh hơn và nhiều hơn”, Riki Ellison, người đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận Missile Defense Advocacy Alliance, nhận định.

Kết quả đánh giá khác biệt

Theo hồ sơ lưu trữ của Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ (MDA), kết quả các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa đưa ra các số liệu khác nhau.

Các hệ thống MDA có nhiều lớp, phạm vi và cảm biến sử dụng trong không gian trên biển và trên đất liền, tạo thành hàng rào bảo vệ cho các khu vực khác nhau của Mỹ và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên mạng lưới này lại không đồng đều.

Cụ thể, Hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (GMD) có tỷ lệ thành công chỉ trên 55%, trong khi Hệ thống Chiến đấu Aegis, được triển khai trên các tàu Hải quân Mỹ và trên đất liền, đạt tỷ lệ thành công 83%.

Thành công nhất phải kể đến Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) khi đạt tỷ lệ bắn hạ tên lửa 100% trong 13 cuộc thử nghiệm được tiến hành từ năm 2006.

Mỹ đủ khả năng bảo vệ lãnh thổ trước ICBM của Triều Tiên? ảnh 2 THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa hoạt động hiệu quả nhất của Mỹ.

Kể từ khi chính quyền cựu Tổng thống Ronald Reagan nắm quyền trong những năm 1980, chính phủ Mỹ đã chi hơn 200 tỷ USD để phát triển và khai thác một loạt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo khác nhau, theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ.

Kinh phí cho MDA trung bình trên 8,12 tỷ USD trong suốt quá trình cầm quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Chủ nhân Nhà Trắng hiện tại, ông Donald Trump, đã yêu cầu 7,8 tỷ USD cho năm 2018.

Luôn đi đầu trong công nghiệp phát triển vũ khí, nhất là các hệ thống phòng thủ, Mỹ vẫn không khỏi lo ngại trước chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Tháng trước, Phó Đô đốc James Syring, sau đó giữ chức giám đốc MDA, bày tỏ mối lo ngại về các tiến bộ của Triều Tiên trước cuộc họp với Ủy ban Quốc hội.

Chuyên gia về tên lửa Mỹ John Schilling cũng cùng nỗi lo với ông Syring. Ông này cho biết, tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên nhanh hơn dự kiến.

“Tuy nhiên, cần phải thêm một hoặc hai năm nữa mới có thể phát triển tên lửa đạt được các mục tiêu có giá trị cao trên lục địa Mỹ…”, ông Schilling nói thêm.

Michael Elleman, thành viên Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Mỹ, nhận định, “không có gì đảm bảo” Mỹ có thể tự bảo vệ mình, ngay cả khi các cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ đạt thành tích 100%.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.