Mỹ dùng quân bài Hong Kong trong đàm phán với Trung Quốc?

Chuyện biểu tình ở Hong Kong có thể trở thành “quân bài” của Mỹ. Ảnh: SCMP
Chuyện biểu tình ở Hong Kong có thể trở thành “quân bài” của Mỹ. Ảnh: SCMP
TP - Biểu tình ở Hong Kong có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump một quân bài không tính trước nếu ông gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhật Bản trong tuần tới, nhưng Bắc Kinh sẽ cố gắng không để vấn đề này ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Trung rộng lớn hơn, các nhà phân tích Trung Quốc nói.

Đợt biểu tình về dự luật dẫn độ đã làm rung chuyển thành phố trong suốt hai tuần qua, và thêm một yếu tố khiến cuộc gặp được trông đợi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản thêm phần không chắc chắn.

Trung Quốc cho đến nay chưa xác nhận liệu ông Tập có gặp ông Trump để cố gắng tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài cả năm qua. Nhưng hôm Chủ nhật, trên kênh Fox News, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông chắc chắn vấn đề Hong Kong sẽ được nêu ra trong các cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có cơ hội thấy Chủ tịch Tập Cận Bình trong một vài tuần tới tại hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi tin rằng việc này (vấn đề Hong Kong) sẽ nằm trong số các vấn đề họ đem ra thảo luận”, ông Pompeo nói.

Vương Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nói giới “diều hâu đối với Trung Quốc” ở Washington có thể sẽ tìm cách đưa “quân bài Hong Kong” vào ván bài để gia tăng lợi thế cho phía Mỹ trong các cuộc đàm phán.

“Trong khi ông Trump nóng lòng muốn đạt một thỏa thuận với Trung Quốc, giới diều hâu về vấn đề an ninh ở Mỹ sẽ tìm mọi khả nằng sẵn có để khai thác điểm yếu của Trung Quốc, từ vấn đề Đài Loan tới Tân Cương và giờ là Hong Kong”, ông Vương nói với SCMP.

Hong Kong, một khu vực độc lập về kinh tế và hải quan với Trung Quốc đại lục, hầu như được miễn trừ trong chính sách gây hấn về thuế và xuất khẩu của Mỹ đối với Trung Quốc.

Nhưng điều này có thể thay đổi nếu một dự luật lưỡng đảng ở Mỹ được thông qua, cho phép Mỹ “tái đánh giá” liệu Hong Kong có “đủ tự trị” trước Trung Quốc đại lục dưới cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”, và do đó xác định lại liệu vùng lãnh thổ này có tiếp tục được hưởng ưu đãi đặc biệt như một nền kinh tế độc lập hay không.

“Hong Kong là một cây cầu quan trọng giữa nền kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ. Nếu giới diều hâu ở Mỹ muốn chia cắt nền kinh tế nước này với Trung Quốc, họ sẽ nhắm đến Hong Kong và việc đầu tiên là chia cắt kinh tế Hong Kong với kinh tế Mỹ”, học giả Vương Vĩnh nói.

Ông nói thêm rằng khi cuộc chiến thương mại kéo dài thêm, vị thế của Hong Kong là một trung tâm tài chính quốc tế và sự phụ thuộc vào đồng USD sẽ khiến thành phố này rơi vào điểm nóng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

“Nếu cuộc chiến tài chính nổ ra, Hong Kong sẽ rơi vào vị trí tuyến đầu và thị trường chứng khoán, nền kinh tế Hong Kong sẽ bị một cú trời giáng, như đã xảy ra trong giai đoạn khủng hoảng 1997-1998”, ông Vương nói.

Nhưng Lưu Vệ Đông, một nhà phân tích thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói Bắc Kinh sẽ làm rõ với Washington rằng Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ và rằng việc đó không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung về tổng thể.

“Trung Quốc sẽ phản ứng bằng cách nhắc lại rằng đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, ông Lưu nói khi được hỏi chủ tịch Tập sẽ phản ứng ra sao trước áp lực của ông Trump về vấn đề Hong Kong.

MỚI - NÓNG